Sức nóng của hai lễ hội lửa ở Nhật Bản dịp cuối năm

Minh Hương

(Dân trí) - Ngọn lửa thiêng được thắp sáng, những điệu múa mang ý nghĩa tâm linh cùng nghi thức thanh tẩy để chờ đón năm mới… là những gì diễn ra tại lễ hội lửa.

Lễ hội lửa Kanzanji

Đền Kanzanji, vùng núi Hamamatsu, tỉnh Shizuoka tổ chức lễ hội lửa thường niên vào ngày 15/12. Tại đây, người dân cầu nguyện cho sức khỏe, mùa màng và xin sự bảo vệ của các vị thần để tránh khỏi hỏa hoạn trong năm mới.

Sức nóng của hai lễ hội lửa ở Nhật Bản dịp cuối năm - 1

Đền Kanzanji, tỉnh Shizuoka, nơi tổ chức lễ hội lửa Kanzanji. Ảnh: Livejapan

Nghi thức đặc trưng của lễ hội là những người tham dự đi chân trần trên lửa. Việc thực hiện nghi thức này được tin là sẽ giúp người dân tránh khỏi bệnh tật.

Đền Kanzanji là ngôi đền cổ, được xây dựng từ năm 810. Về đền Kanzanji dự lễ hội lửa cuối năm, du khách còn có cơ hội tham quan ngắm cảnh khu vực vùng núi và hồ Hamana xung quanh.

Một số danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác trong khu vực gồm động Ana Daishi, tương truyền có thể giúp điều trị các bệnh về mắt. Những người cầu tình duyên có thể đến ngôi đền thờ thần Enmusubi Jizou hay đến chiêm ngưỡng bức tượng cao 16m thờ thần Kanzanji Seishi Kannon Bosatsu - người bảo hộ cho người dân địa phương.

Lễ hội lửa đền Akiha

Được tổ chức tại đền Akihasan Hongu Akiha trong hai ngày 15-16/12 hàng năm, điểm nhấn của lễ hội lửa Akiha là nghi thức Hibus no Matsuri để cầu xin các vị thần bảo hộ cho người dân khỏi hỏa hoạn. Nghi thức được thực hiện vào đêm thứ hai của lễ hội, gồm ba điệu múa quan trọng: điệu múa cung "yumi no mai", điệu múa kiếm "tsurugi no mai" và điệu múa lửa "hi no mai".

Sức nóng của hai lễ hội lửa ở Nhật Bản dịp cuối năm - 2

Điệu múa cung trong lễ hội lửa đền Akiha. Ảnh: Jpninfo

Trong điệu múa cung, thầy tế bắn liên tiếp 5 mũi tên về phía đông, tây, nam, bắc và giữa trần nhà để cầu nguyện cho mùa màng thuận lợi trong năm tới.

Một thầy tế khác sẽ trình diễn điệu múa kiếm để gột rửa tội lỗi, thực hiện nghi thức thanh tẩy, đẩy lùi ma quỷ và những linh xấu xa.

Trong điệu múa cuối cùng - điệu múa lửa, thầy tế trình diễn với ngọn đuốc mang ngọn lửa thiêng được đốt cháy hàng nghìn năm bên trong ngôi đền. Điệu múa lửa được trình diễn trước đám đông cầu nguyện để cầu xin các vị thần che chở cho người dân khỏi hỏa hoạn, lũ lụt, bệnh tật.

Sức nóng của hai lễ hội lửa ở Nhật Bản dịp cuối năm - 3

Điệu múa lửa trong lễ hội lửa đền Akiha. Ảnh: Jpninfo

Đền Akihasan Hongu Akiha được xây dựng năm 709, thờ phụng vị thần lửa Hinokagutsuchi. Nơi đây được coi là đứng đầu trong tất cả những ngôi đền Akiha tại Nhật Bản.

Ngôi đền thượng nằm gần đỉnh núi Akiha, trong khi đền hạ nằm tại chân núi. Du khách về đền Akihasan Hongu Akiha dự lễ hội lửa cuối năm thường đi bộ quãng đường khoảng 1,5 giờ từ đền hạ lên đền thượng. Từ đền thượng, du khách có thể đưa mắt ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh thành phố.

Một hoạt động được du khách ưa thích tại đền Akiha là ném đĩa tengu. Du khách viết điều ước lên trên chiếc đĩa đất sét rồi ném vào mục tiêu với mong ước hoàn thành những mong muốn của bản thân trong năm tới.