Sức mua bất động sản giảm, nhiều môi giới chuyển chế độ "ngủ đông" giữa hè

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Từ đây đến cuối năm nay, chuyên gia dự đoán thị trường bất động sản sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá, vì kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh.

Sức mua bất động sản giảm, các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái dè chừng

Nếu quý I ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan cho việc khôi phục thị trường bất động sản thì giữa quý II năm nay, làn sóng Covid-19 thứ 4 bất ngờ bùng phát mạnh mẽ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước khiến nền kinh tế toàn quốc nói chung và thị trường bất động sản nói riêng lâm vào thế khó.

Dù mong muốn hướng đến mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế, thực tế cho thấy Việt Nam vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề khó khăn.

Sức mua bất động sản giảm, nhiều môi giới chuyển chế độ ngủ đông giữa hè - 1

Từ nay đến cuối 2021, chuyên gia dự đoán thị trường bất động sản sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá.

TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam - nhận định với tình trạng an ninh thắt chặt, các nhà đầu tư trong và ngoài nước không có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, giao thương, thị trường bất động sản thời gian gần đây chứng kiến sức mua giảm, các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái dè chừng và thận trọng khi quyết định đầu tư bất động sản.

"Riêng đối với những sản phẩm tốt, đây là một cơ hội để minh chứng giá trị sản phẩm và tiềm lực của những nhà phát triển uy tín trên thị trường. Song đối với những sản phẩm không phù hợp, trong điều kiện kinh tế hiện tại, tôi nghĩ rằng đây là một thời điểm khó để thị trường hấp thụ những sản phẩm này. Ngoài ra, vấn đề pháp lý của các dự án vẫn là câu chuyện kéo dài từ nhiều năm nay dẫn đến tình trạng nguồn cung sơ cấp trên thị trường bị hạn chế", ông Khương nhấn mạnh các vấn đề của thị trường hiện nay.

Đại diện Batdongsan.com.vn cũng cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến các hoạt động kinh doanh bất động sản bị gián đoạn. Một số dự án đã có kế hoạch ra hàng và chạy chiến dịch quảng bá trước đó đành phải hoãn lại đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhiều môi giới chuyển sang chế độ tạm "ngủ đông" vì khách hàng ngại tương tác, tìm hiểu bất động sản trong thời kỳ giãn cách.

Theo dữ liệu của đơn vị này, sau khi đạt đỉnh trong tháng 3, mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản đã có dấu hiệu sụt giảm trong tháng 4. Trong đó, đất nền là phân khúc "hạ sốt" nhanh nhất với lượt quan tâm giảm gần 21%. Căn hộ chung cư ghi nhận nhu cầu tìm mua giảm hơn 17%, còn lượng quan tâm đất nền dự án cũng giảm hơn 19%.

Sang đến tháng 5, dù đã trải qua nhiều đợt dịch trước đó và có kinh nghiệm thích nghi, thị trường bất động sản vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đa nguồn lây và đa biến chủng. Dữ liệu tháng 5 cho thấy, một số thị trường có mức độ quan tâm giảm rất sâu là Bắc Giang (giảm 49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%)....

Thị trường cuối năm sẽ ra sao?

Theo dữ liệu của Savills, trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường phía Nam gần như chỉ có vài dự án mới ở TPHCM (phân khúc trung cao cấp và cao cấp) và các tỉnh thành lân cận, bao gồm Bình Dương. Nhiều dự án có kế hoạch ra mắt trong năm nay do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh cũng phải điều chỉnh lại thời điểm triển khai.

Từ đây đến cuối năm nay, TS Sử Ngọc Khương dự đoán thị trường sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá, vì kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập hạn chế của đại đa số người dân trong thời điểm này khiến tình hình thị trường không có nhiều biến động.

"Phần lớn giao dịch trong thời gian này chủ yếu là các nhà đầu tư dài hạn - những người có tiền tích trữ trong ngân hàng hoặc nhiều nguồn khác để đầu tư. Đây sẽ là nhóm khách hàng được hưởng lợi từ xu hướng giá bất động sản liên tục tăng. Tuy nhiên, bộ phận này vẫn không thể đại diện cho toàn bộ thị trường bất động sản nhà ở, căn hộ trong nước", ông Khương nhận định.

Tuy nhiên điểm đáng lưu ý, theo ông Khương, dù phải chật vật với nhiều thử thách dưới áp lực của dịch bệnh, song đây chỉ là sự chững lại ngắn hạn của thị trường bất động sản trong nước.

TS Khương cho rằng trong kịch bản thị trường hồi phục, bất động sản nhà ở sẽ là thị trường sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân. Song, mức độ hấp thụ của thị trường sẽ không cao bằng những năm trước đây vì người dân mua nhà để ở thường phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng như là vốn chủ sở hữu.

Với tình hình hiện tại, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị vừa phải tại các đô thị lớn trên toàn quốc.

Bên cạnh đó là giao dịch từ các nhà đầu tư dài hạn, dù giá bất động sản trên thị trường có sụt giảm như giai đoạn 2009-2010, có những khu vực bị rớt giá từ 20-30% trong giai đoạn khó khăn, thì phân khúc căn hộ để ở vẫn là tâm điểm nóng nhất, sở hữu sự săn đón của nhiều nhà đầu tư với xu hướng giá bất động sản liên tục tăng theo thời gian.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm