Sống thế nào trong phòng trọ “siêu nhỏ” 3m2 chỉ đủ duỗi chân ở Hà Nội?
(Dân trí) - Những căn phòng trọ hộp diêm khiến nhiều người chỉ nhìn hình cũng cảm thấy “ngạt thở”, bức bối lại đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn vì chi phí rẻ.
Trong căn phòng rộng 3m2 thuộc dãy nhà trọ "tổ ong", D.Q.A (19 tuổi, Hà Nội) đặt một chiếc bàn gấp, xếp 6 tấm xốp rồi trải chiều làm chỗ ngủ.
Một vài đồ dùng cá nhân khác như: vali, bình nước,... được cậu xếp gọn gàng trên chiếc giá sắt ngang, quần áo treo tạm trên tường nhà. Căn phòng chật hẹp nên Q.A tối giản đồ đạc hết mức. Trước đây, Q. A ở cùng một người bạn trong căn phòng 3m2 này nhưng giờ cậu thuê trọ một mình.
“Toàn bộ gia tài của mình khi ra ngoài thuê trọ chỉ có vậy nên căn phòng này tuy chật chội nhưng vẫn đủ đáp ứng. Quan trọng nhất là giá tiền rẻ”, Q. A. cho biết.
Tương tự như Q.A, H.N (20 tuổi) cũng chuyển đến khu nhà trọ tổ ong này được hơn 3 tháng nay.
Để vào phòng mình, N. phải đi qua dãy hành lang hẹp, chật chội chỉ đủ một người đi vừa. Tại đây, cô dùng chung nhà vệ sinh, nhà bếp, khu phơi giặt đồ với gần chục người khác. Dù không gian sống chật chội, song bù lại N. cảm thấy thoải mái vì được ở một mình thay vì phải ở chung với bạn trong nhà trọ cũ.
“ Mùa hè những căn nhà trọ ở ngoài nóng hầm hập, nhưng ở đây có điều hòa, thông gió nên thoải mái hơn dù việc sinh hoạt cũng có đôi chút bất tiện”, N. nói.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, những người đến thuê trọ tại các khu nhà trọ tổ ong mới xuất hiện tại Hà Nội chủ yếu là sinh viên hay người mới ra trường có thu nhập thấp.
Tại đây, họ sẽ chi trả khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng/ tháng bao gồm các chi phí: tiền nhà, điện nước, wifi, tiền vệ sinh…
Căn phòng 5 tầng nhưng có đến 54 phòng trọ được ngăn cách, chia ô ở bên trong. Mỗi căn phòng tổ ong rộng từ 3 - 7m2, được chủ nhà lắp đặt sẵn giá treo quần áo, giá ngang để đồ, ổ cắm điện, bóng điện chiếu sáng, hệ thống thông gió. Riêng khu vực nấu ăn, phơi đồ, nhà tắm... thì phải sinh hoạt chung.
Mỗi phòng có kết cấu khác nhau phụ thuộc vào vị trí trong căn nhà. Các phòng ở góc thì phần diện tích ngủ nằm trồi lên cao.
Người thuê thường đặt một chiếc ghế để bước lên dễ dàng hơn. Diện tích chật chội, nên với nhiều người có chiều cao 1m8, chỗ ngủ trong phòng chỉ vừa đủ để duỗi chân.
54 căn phòng trọ tổ ong trong dãy nhà trọ này, chỉ có vài căn nằm ở phía mặt tiền nhà là có cửa sổ, còn lại đa phần đều phải sử dụng đèn 24/24 để chiếu sáng.
“Trước đây, mình sống cùng bố mẹ. Khi tìm được công việc part-time với mức lương vài triệu đồng/ tháng, mình quyết định đi tìm nhà trọ để ở riêng. Tiêu chí của mình là có chỗ để ngủ buổi tối, có điều hòa, nóng lạnh”, Q. A, một người thuê trọ tại đây cho biết.
Tuy nhiên, theo Q.A, trên thị trường những phòng trọ có điều hòa, nóng lạnh đều có giá trên 3-4 triệu đồng, chưa kể điện nước. Số tiền này quá sức với những sinh viên hoặc người lao động thu nhập thấp. Chính vì thế sau khi cân nhắc Q.A quyết định chuyển đến đây sinh sống.
Hàng ngày, Q. A. đi làm và ăn uống bên ngoài, cậu chỉ về phòng vào buổi tối để tắm rửa và nghỉ ngơi.
Đây cũng là cuộc sống của đa số những người trẻ trong khu trọ này. Vì thế, họ không cần không gian sống quá rộng. Tiền điện, nước cũng được chia sẻ, khoảng 6 - 8 căn phòng tổ ong sẽ sử dụng chung 1 chiếc điều hòa, 1 nhà vệ sinh.
Đa số những người trẻ sống trong các khu nhà tổ ong này cho rằng, lý do chính khiến họ ở đây là bởi mỗi người đều có không gian riêng tư, ít va chạm người khác. Việc dùng chung tiện ích như điều hòa, bình nóng lạnh, máy giặt… giúp họ giảm bớt chi phí điện nước và khoản đầu tư máy móc, thiết bị.
“Các không gian chung ở đây đều lắp camera nên mình cũng yên tâm phần nào. Quan trọng nhất là cảm thấy có không gian riêng tư, chi phí phù hợp lại đầy đủ các tiện ích”, N. một người thuê trọ trong dãy nhà này cho biết.
Tất nhiên, cuộc sống bên trong những khu nhà trọ tổ ong cũng tồn tại không ít bất cập.
Mỗi phòng chỉ ngăn cách bằng một tấm vách nên việc nói chuyện điện thoại lớn, nghe nhạc… cũng có thể ảnh hưởng đến người khác. “Thường thì khi nói chuyện điện thoại hay nghe nhạc mình phải dùng tai nghe để hạn chế tiếng ồn. Thời gian mới đến, vào ban đêm, nếu các phòng khác nói chuyện lớn hay đi lại mạnh, mình đều giật mình, tỉnh ngủ", H. N, một người ở trọ tại đây cho biết.
Cả khu nhà với 54 phòng chỉ có duy nhất một nhà bếp. Do diện tích phòng cá nhân quá nhỏ, nhiều người để tủ lạnh tại căn bếp chung. Việc này không tránh khỏi tình trạng: “để đồ nhờ”, “dùng đồ chùa không xin phép”...
Ngoài ra, việc 6 - 8 phòng sử dụng chung một nhà vệ sinh nên vào đầu giờ sáng, chiều tối dãy phòng trọ thường xảy ra tình trạng “xếp hàng” đợi nhau như thời bao cấp.
“Đa phần mọi người đều là sinh viên nên có ý thức tốt nhưng không phải không có những người thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi trong nhà vệ sinh. Đó cũng là những mặt hạn chế khi sống trong môi trường tập thể đông đúc", một người thuê trọ ở đây cho hay.