Bộ trưởng Tài chính:

Sẽ xử lý nghiêm cán bộ trục lợi, nhũng nhiễu dân trong chuyển nhượng đất

Hoàng Dung

(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc kê khai giá bất động sản đang có nhiều bất cập, dẫn đến thất thu thuế nên cần có biện pháp điều chỉnh.

Trong phiên chất vấn sáng 8/6, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc về việc chống thất thu thuế trong lĩnh vực bất động sản hay có tình trạng cán bộ nhũng nhiễu trong thực thi công vụ.

Có trường hợp kê khai lại từ 500 triệu đồng thành... 10 tỷ đồng 

Bộ trưởng Tài chính khẳng định Luật thuế, Nghị định 12 và 65, Thông tư 92 quy định khi chuyển nhượng bất động sản phải kê khai giá chuyển nhượng mà hai bên đã thỏa thuận. Trường hợp kê khai thấp, không kê khai theo hợp đồng thì phải kê khai theo bảng giá đất đã ban hành. Từ quy định trên, các đối tượng, những người bán, chuyển nhượng bất động sản kê khai thấp, dẫn đến thất thu về bất động sản.

Sẽ xử lý nghiêm cán bộ trục lợi, nhũng nhiễu dân trong chuyển nhượng đất - 1

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ xử lý nghiêm cán bộ trục lợi, gây nhũng nhiễu cho người dân trong quá trình chuyển nhượng đất (Ảnh: Quốc Chính).

Bộ trưởng cho rằng, lỗ hổng trên dẫn đến thất thoát tiền thuế của Nhà nước. Do đó, Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc Tổng cục thuế chỉ đạo các cục thuế địa phương và có văn bản hướng dẫn cho chủ tịch, bí thư các tỉnh, thành phố để chống thất thu trong lĩnh vực bất động sản.

Bộ Tài chính hướng dẫn, bảng giá nào thì kê khai bảng giá đấy. Nếu kê khai thấp thì tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành nhân với hệ số điều chỉnh. Vì theo Luật Đất đai, giá đất ban hành 5 năm một lần. Trong 5 năm, nếu có biến động tăng hoặc giảm 10% thì UBND các tỉnh phải ban hành hệ số sử dụng đất để điều chỉnh. Do đó, bảng giá đất, đơn giá đất và hệ số điều chỉnh là căn cứ để thu thuế bất động sản.

Theo thống kê, 4 tháng đầu năm nay, số thu được là 16.200 tỷ đồng, tăng 6.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. "Đặc biệt, có trường hợp sau khi được vận động, tuyên truyền, giải thích thì kê khai lại, như ở TPHCM từ 500 triệu đồng kê khai lại là 10 tỷ đồng. Việc này mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước", ông Phớc cho biết. 

Tuy nhiên, để tránh cho cán bộ nhũng nhiễu, Bộ Tài chính đã có công điện yêu cầu Tổng cục thuế chỉ đạo cơ quan thuế chống tham nhũng, nhũng nhiễu, trục lợi trong quá trình thực hành và không được gây phiền hà, sách nhiễu người dân. Cán bộ có trách nhiệm tuyên truyền, chứ không có quyền ngăn chặn chuyển nhượng.

"Việc tuyên truyền hết sức quan trọng"

"Chúng ta chỉ hậu kiểm chứ không tiền kiểm. Tiền kiểm là vận động, thuyết phục giải thích để tránh cho những người chuyển nhượng bất động sản khỏi trốn thuế. Vì họ không nắm được pháp luật, họ trốn thuế khi thanh tra phát hiện ra thì mắc tội trốn thuế, vi phạm luật hình sự. Do đó, việc tuyên truyền hết sức quan trọng", Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, cũng có một số cán bộ lợi dụng việc này "làm quá" với người dân chuyển nhượng bất động sản. Bộ kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Đối với các dự án bất động sản đối với doanh nghiệp thì suất thuế là 20%. Đối với cá nhân chuyển nhượng bất động sản thì thuế chỉ là 2% trên tổng doanh thu. Bộ đã chỉ đạo là chỉ được tuyên truyền để kê khai đúng giá. Trường hợp không kê khai đúng giá thì tính theo giá của Nhà nước ban hành và hệ số điều chỉnh để thu thuế. Đồng thời, Bộ chỉ đạo UBND các tỉnh phải ban hành hệ số để phù hợp với quy định của pháp luật và tiến tới sẽ xây dựng.