Sau thời gian dài "ngủ đông", bất động sản Phú Quốc đang "ấm" dần
(Dân trí) - Sau thời gian dài thị trường bất động sản Phú Quốc "ngủ đông" nay đang "ấm" dần lên. Nhất là từ khi Phú Quốc lên thành phố biển, nhiều nhà đầu tư bất động sản đã quay lại Phú Quốc.
Khoảng 1 tuần trở lại đây, các phòng công chứng trên địa bàn TP Phú Quốc nhộn nhịp trở lại. Hơn 90% lượng khách đến các phòng công chứng là để giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, hiện tượng nhộn nhịp theo từng khung giờ, chưa tấp nập đông khách như hồi 2 -3 năm về trước.
Chị Hoàng - một môi giới bất động sản lâu năm ở Phú Quốc cho biết, bất động sản Phú Quốc có giao dịch trở lại từ khi Phú Quốc lên thành phố. Ngay sau thông tin này, nhiều nhà đầu tư Hà Nội, TPHCM… đến Phú Quốc tìm hiểu đất đai. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chỉ tập trung vào các loại đất có sổ đỏ, đất đã lên thổ cư.
Theo chân chị Hoàng, PV được dẫn đến nhiều dự án bất động sản trên địa bàn xã Dương Tơ, xã Cửa Dương, Cửa Cạn… Dọc hai bên tuyến đường Dương Đông đi Cửa Cạn xuất hiện nhiều biển treo bán đất mọc lên. Nhiều dự án, đã có khách đến xem, tuy nhiên, nếu so với đỉnh điểm đất Phú Quốc lên cơn sốt giai đoạn 2017 - 2018 thì lượng khách tìm mua đất chưa bằng 1/10.
Về giá cả, một số chủ dự án đã tăng từ 10-20%. Cụ thể trước đây khoảng 8 - 10 triệu đồng/m2 nay nhiều chủ dự án điều chỉnh lên mức từ 10 - 15 triệu đồng/m2. Một số lô đất gần biển có diện tích trên 1.000m2 (đất cây lâu năm) vẫn giữ giá khoảng 10 - 12 tỷ đồng/1.000m2. Nhưng vẫn còn nhiều thửa đất, chủ rao bán như giá mua ban đầu để cắt lỗ sau khi giá đất Phú Quốc "dậm chân" tại chỗ hơn 2 năm qua.
Qua khảo sát của PV, những khách hàng đến Phú Quốc tìm mùa đất đang tập trung vào các thửa đất đã có sổ đỏ, đất đã lên thổ cư. Đặc biệt, khi nhà đầu tư chọn được thửa đất ưng ý, nhà đầu tư chủ động liên hệ chính quyền địa phương, hỏi về quy hoạch, tính pháp lý của thửa đất nên chưa thấy hiện tượng mua "đất chỉ", đất sơ đồ như trước đây.
Anh K. - một nhà đầu tư bất động sản thường trú ở TPHCM cho biết: "Trước đây, nhiều nhóm khách mua đất để lướt sóng, kiếm lời nên họ mua rất nhanh; không cần xem quy hoạch, tính pháp lý. Và không ít trường hợp xảy ra tranh chấp hoặc làm sổ đỏ không được… Riêng tôi, nguyên tắc là chọn đất có tính pháp lý rõ ràng, không nằm trong quy hoạch rồi mới bàn đến giá cả để tránh những rủi ro".
Một trong những nguyên nhân làm bong bóng bất động sản Phú Quốc xẹp nhanh như thời gian qua là Phú Quốc không lên đặc khu. Thời gian gần đây, thị trường bất động sản đã có giao dịch trở lại, giá đất có nhích lên. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cho rằng, đây chỉ là chiêu thức của cánh môi giới để giúp nhiều nhà đầu tư bán cắt lỗ.
Do đó, điều mà nhiều người quan tâm là lãnh đạo Phú Quốc sẽ quản lý thế nào để giá đất không phi mã như 2 năm về trước; đồng thời ngăn chặn được tình trạng xẻ thịt đất nông nghiệp, xây dựng trái phép, phá vỡ quy hoạch như những năm trước đây.
Hiện nay, UBND tỉnh Kiên Giang vẫn chưa dỡ lệnh cấm tạm dừng tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Phú Quốc. Những trường hợp người dân có nhu cầu tách thửa, chuyển mục đích phải được UBND tỉnh xem xét quyết định. Đây cũng là "rào cản" làm thị trường bất động sản chưa thật sự "nóng" trở lại.
Trong cơn sốt đất năm 2018 tại Phú Quốc là tình trạng phân lô, xẻ nền trên đất nông nghiệp. Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 15/5/2018 UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 651 về việc cấm phân lô, tách thửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại huyện đảo Phú Quốc.
Đến ngày 11/3/2020, UBND tỉnh Kiên Giang bỏ lệnh cấm tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất tại Phú Quốc. Ngay sau đó, tình hình vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Phú Quốc tái diễn nên lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tiếp tục cho tạm dừng việc phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện Phú Quốc cho đến nay.