Sau cơn "sốt đất" điên đảo: Hết cửa "lướt sóng" kiếm tiền
So với các kênh đầu tư hiện nay, "găm" tiền vào đất vẫn là quyết định của nhiều người. Tuy nhiên, việc rót tiền vào đầu tư chung cư hay đất liệu còn có thu lợi ngay ngắn hạn?
Thị trường bất động sản những tháng đầu năm đã trải qua những cơn "sốt đất", cộng với tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp nên những kênh đầu tư tài sản trong đó có bất động sản được nhiều người lựa chọn.
Tuy nhiên, sau khi thị trường trải qua những đợt "sốt" đất thì việc đầu tư vào phân khúc nào, đất nền, nhà riêng lẻ hay căn hộ chung cư... vẫn là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, lãi suất thấp cộng với dịch bệnh khiến dòng tiền đổ vào gom đất. Cùng với đó là xu hướng luôn tăng giá, đất ở nhiều nơi trở nên "sốt" nên nhiều nhà đầu tư đã lao vào và là cơ hội cho giới đầu nậu thổi phồng giá đất ở nhiều nơi lên cao trong thời gian qua.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản chưa trở lại với giá trị thực, bởi lẽ các nhà đầu tư tìm đến bất động sản không phải để đầu tư phát triển, kinh doanh lâu dài, mà phần lớn là đầu cơ, môi giới không chuyên mua bán trao tay "lướt sóng" kiếm lời đã đẩy giá đất lên cao.
Do đó, thời điểm này thị trường chưa thật sự ổn định, vẫn còn dư âm của đợt sốt đất, giá trị thực của đất bị đẩy lên quá cao, vì thế nếu để nó trở lại với giá trị ban đầu thì cần thời gian và sự điều tiết của thị trường.
Mặc dù đất nền vẫn là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương, tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam thì, với việc vào cuộc của chính quyền địa phương, thời gian tới giá đất sẽ được kiểm soát và không tăng so với những tháng đầu năm nay. Thậm chí, một số khu vực sẽ xuất hiện giảm giá, cắt lỗ.
Còn với phân khúc căn hộ chung cư, số liệu mới nhất từ Bộ Xây dựng cho thấy, quý I/2021 có 25.386 giao dịch bất động sản thành công; tổng lượng giao dịch giảm, chỉ bằng khoảng 86% so với quý IV/2020.
Riêng tại Hà Nội có 5.571 giao dịch thành công, tại TPHCM có 3.449 giao dịch thành công. Nhìn chung, các giao dịch thành công tập trung chủ yếu ở phân khúc bình dân.
Tại Hà Nội, các căn hộ bình dân, có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 hầu như chỉ có ở các khu vực xa trung tâm; các dự án dạng này trước đây có mức giá khoảng trên dưới 20 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên khoảng trên dưới 25 triệu đồng/m2.
Đối với căn hộ chung cư trung cấp, có mức giá khoảng 30 - 40 triệu đồng/m2, tập trung nhiều tại các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Gia Lâm….
Còn tại TPHCM, chung cư phân khúc trung cấp có giá cao hơn so với Hà Nội, mức giá dao động từ khoảng 35 - 45 triệu đồng/m2.
Còn căn hộ cao cấp, có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 hiện có rất nhiều dự án ở cả thị trường Hà Nội và TPHCM.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng cho rằng, giá căn hộ chung cư tại các địa phương có xu hướng tăng đều theo tháng. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TPHCM đều tăng do khan hiếm nguồn cung. Giá căn hộ chung cư bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý IV/2020.
Anh Nguyễn Đức Toản - một nhà đầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, đối với các căn hộ chung cư cao tầng ở trung tâm thành phố thì điều kiện cho thuê rất tốt. Hơn nữa, khi đầu tư chung cư không cần vốn quá lớn bởi phương thức thanh toán của loại hình chung cư khá linh hoạt. Khi đầu tư có thể trả góp theo nhiều đợt và có thể sử dụng vốn vay ngân hàng.
"Nếu biết lựa chọn dự án thì với loại hình căn hộ chung cư, nhà đầu tư vẫn có thể sinh lời nhanh bằng hình thức đầu tư "lướt sóng", nhưng lợi nhuận có thể không bằng đầu tư đất. Trong khi đầu tư đất cần nguồn vốn lớn và thời gian để sinh lời có thể nhanh nhưng cũng có thể kéo dài vài năm, tùy vị trí", anh Toản nói.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, giữa lúc thị trường đang khó khăn, kết hợp với những cơn sốt đất hạ nhiệt, nhà đầu tư nên chuẩn bị nguồn vốn hướng tới đầu tư trung - dài hạn.
Chúng ta không nên kỳ vọng nhiều vào việc đầu tư theo kiểu "lướt sóng" không chỉ ở thời điểm này mà cả trong năm tới.