Sài thành “đất vàng” phiêu lưu ký: Mô típ liên minh “công - tư - doanh”

Quá trình thâu tóm đất vàng tại Sài thành - TP.HCM có thể xem như một cuộc phiêu lưu “vô tiền khoáng hậu” với hậu quả chưa thể đong đếm.

Gần đây, hàng loạt sai phạm từ nghiêm trọng đến hết sức nghiêm trọng liên quan đến vấn đề đất đai công sản chưa bao giờ có đã diễn ra tại đô thị phát triển bậc nhất Việt Nam - TP.HCM.

Sài thành “đất vàng” phiêu lưu ký: Mô típ liên minh “công - tư - doanh” - 1

Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) là một trong nhiều khu đất vàng bị rơi vào tay doanh nghiệp do sai phạm của các lãnh đạo.

Liên minh “công - tư - doanh”

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, giá trị bất động sản tăng nhanh đến chóng mặt chính là cơ hội để cho những “liên minh” cá nhân - doanh nghiệp - cán bộ “dàn trận” nhằm thực hiện những kế hoạch thâu tóm đất công đắc địa.

Lần lượt, nhiều mảnh đất vàng tại TP.HCM đã được “hô biến” rất theo quy trình để trở thành sở hữu tư nhân với giá trị thấp hơn thực tế rất nhiều lần. Những nhóm lợi ích này đã gây thất thoát ngân sách nhà nước nhiều ngàn tỷ đồng.

Vừa qua, trong nỗ lực chống tham nhũng đất đai, làm sạch bộ máy công quyền tại một số thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM đã có nhiều dự án rơi vào tầm ngắm thanh tra và hàng loạt vụ thâu tóm đất vàng “khủng” đã được đưa ra ánh sáng.

Hầu hết những vụ việc này đều có mô típ chung là quan chức tiếp tay, chuyển nhượng hoặc giao đất theo hình thức chỉ định nhà đầu tư thân hữu với giá “siêu ưu đãi”. Những sai phạm “khủng” liên quan đến việc “hô biến” đất vàng tại TP.HCM được đưa ra đã làm cho hàng loạt cán bộ cấp cao lâm vào cảnh “hạ cánh không an toàn”.

Mới đây, 2 cựu lãnh đạo Bộ Công Thương và nhiều lãnh đạo TP.HCM đã bị khởi tố theo Điều 219, Bộ luật Hình sự, với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí’. Theo cơ quan điều tra, có ít nhất 5 khu đất "vàng" bị nhóm lợi ích “công - tư - doanh” bằng nhiều cách thức “hô biến” từ tài sản thuộc sở hữu Nhà nước sang tay doanh nghiệp.

Ngoài ra, những trường hợp khác có thể nhắc đến như ông Lê Thanh Hải, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM liên quan đến KĐT mới Thủ Thiêm; ông Nguyễn Hữu Tín, Cựu PCT UBND TP.HCM liên quan đến khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và khu đất 15 Thi Sách; ông Nguyễn Thành Tài, Cựu PCT UBND TP.HCM liên quan đến khu đất 8-12 Lê Duẩn; ông Tất Thành Cang, Nguyên ủy viên BCH TƯ Đảng, PBT Thường trực Thành ủy TP.HCM liên quan đến 32 ha đất đại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè; ông Trần Vĩnh Tuyến, Cựu PCT UBND TP.HCM liên quan đến khu đất xây dựng nhà ở Phước Long 8 tại Quận 9.

Hàng loạt cán bộ cấp cao “hạ cánh không an toàn”

Cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cùng với nhiều cán bộ khác đã bị khởi tố về sai phạm trong việc cho Sabeco Pearl thuê đất 50 năm trả tiền một lần với giá rẻ mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, ông Tín còn bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" liên quan đến khu đất 15 Thi Sách, quận 1, TP.HCM. 

Cũng với chiêu thức liên kết thành lập pháp nhân mới để thâu tóm đất vàng, một cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khác là ông Nguyễn Thành Tài cũng đã rơi vào vòng lao lý. Tháng 12/2018, ông Nguyễn Thành Tài bị bắt để điều tra về những sai phạm trong việc giao, cho thuê không qua đấu giá khu đất 5.000m2 tại số 8 - 12 đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM.

Đối với trường hợp của ông Nguyễn Thành Tài, thời điểm năm 2011 khi là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký quyết định giao lô đất vàng 8 - 12 Lê Duẩn cho Công ty Cổ phần đầu tư Lavenue. Việc giao đất chỉ định này không thông qua đấu giá, đấu thầu, không có ý kiến thẩm định năng lực tài chính của các công ty góp vốn thuộc Bộ Công Thương.

Tương tự, một vị lãnh đạo cốt cán khác của TP.HCM là ông Tất Thành Cang đã bị cách các chức vụ trong Đảng do liên quan đến việc bán rẻ 32ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho doanh nghiệp.

Cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cũng đã bị xử lý kỷ luật cách chức, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ và Thường trực Thành uỷ nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đặc biệt, gần đây nhất, ngày 11/7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến bị khởi tố vì sai phạm khi duyệt cho SAGRI chuyển nhượng dự án 37.000m2 là khu nhà ở Phước Long B ở quận 9 cho tư nhân gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.

Chính những “bóng ma” của các liên minh “công - tư - doanh” giữa cán bộ công chức (thường là cấp cao, cá nhân, doanh nghiệp đã tạo ra hậu quả là hàng loạt “đất vàng” công sản bị chuyển nhượng cho tư nhân “theo quy trình riêng”.

Nguy hại hơn, những “đại sai phạm” như Thủ Thiêm đang từng ngày ăn mòn lòng tin của người dân vào chính sách đất đai, sự công bằng và tôn nghiêm của pháp luật.

Theo Lê Sáng
Diễn đàn Doanh nghiệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm