Rà soát dự án bất động sản FDI sử dụng nhiều đất

Hà Phong

(Dân trí) - Không chỉ Hà Nội và TPHCM, các dự án FDI trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích từ 2 ha trở lên cũng sẽ thuộc diện phải báo cáo.

Rà soát dự án FDI về bất động sản

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan đăng ký đầu tư rà soát, đánh giá tình hình thực hiện của các dự án có vốn FDI trên địa bàn. Các kết quả rà soát được đề nghị gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/6 tới.  

Việc rà soát này là nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao chất lượng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời rà soát, đánh giá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư nước ngoài. 

Rà soát dự án bất động sản FDI sử dụng nhiều đất - 1

Dự án Booyoung Vina (Hà Đông, Hà Nội) xây dựng dở dang, bỏ hoang nhiều năm (Ảnh: Hà Phong).

Theo đó, đối tượng rà soát thuộc các dự án có vốn đầu tư đăng ký từ 100 triệu USD trở lên; dự án có diện tích đất sử dụng từ 50 ha trở lên.

Các dự án trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu mà có diện tích đất sử dụng từ 2 ha trở lên cũng thuộc diện phải rà soát, báo cáo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cơ quan đăng ký đầu tư báo cáo thông tin liên quan tới tình hình góp vốn, giải ngân vốn đầu tư; việc thực hiện các mục tiêu quy định tại Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; việc thực hiện các cam kết về tiến độ triển khai dự án; tình hình sử dụng đất và việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng; việc chấp hành các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (các loại thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất...; tình hình sử dụng lao động và chấp hành Luật lao động; và tình hình chấp hành các quy định về môi trường, đảm bảo về môi trường.  

Trong trường hợp có sự chậm trễ hoặc chưa thực hiện đúng các mục tiêu tại Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc các quy định của pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cơ quan đăng ký đầu tư nêu rõ thực trạng và lý do.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố Trung ương chỉ đạo các cơ quan đăng ký đầu tư tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất sửa đổi luật pháp, chính sách để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án, trong đó tập trung vào 2 nhóm dự án.

"Đất vàng" dự án FDI bỏ hoang

Thời gian qua, tình trạng dự án bất động sản bỏ hoang tràn lan ở nhiều địa phương. Cá biệt, tại Hà Nội, nhiều khu "đất vàng" thuộc dự án FDI bất động sản cũng rơi vào tình trạng bỏ hoang, lãng phí nhiều năm. 

Đơn cử, tọa lạc tại tuyến đường nổi bật nhất vào khu đô thị Mỗ Lao, kề cận khu Làng Việt kiều châu Âu (Hà Đông, Hà Nội), "siêu dự án" tổ hợp chung cư Booyoung Vina có diện tích 4,3ha. Dự án do Công ty TNHH Booyoung Việt Nam làm chủ đầu tư.

Rà soát dự án bất động sản FDI sử dụng nhiều đất - 2

"Đất vàng" dự án Booyoung Vina vốn FDI bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí (Ảnh: Hà Phong).

Dự án này cũng từng được đánh giá rất cao tại thời điểm tham gia thị trường khi có tổng mức đầu tư lên tới 171 triệu USD (tạm tính thời điểm hiện tại là gần 4.000 tỷ đồng). Chủ đầu tư thuộc Công ty TNHH Booyoung là một trong 30 tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc chuyên về lĩnh vực bất động sản.

Theo tìm hiểu, dự án khu chung cư quốc tế Booyoung Vina được cấp phép từ năm 2006 và khởi công năm 2007. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2010, với 6 tòa chung cư cao 30 tầng. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án của chủ đầu tư đến từ Hàn Quốc lại để dự án đi vào tình trạng đình trệ.

 Đến nay, theo ghi nhận, toàn dự án mới có 2 tòa chung cư đã được xây dựng tại CT-04 và CT-07 đã có cư dân về ở, nhưng vẫn còn tới 4 ô đất đang quây tôn, bỏ hoang tại dự án Booyoung Vina nghìn tỷ đồng này. Bên trong các ô đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, một số vật liệu xây dựng cũng hoen gỉ và không có bất cứ hoạt động thi công nào.

Thực trạng bỏ hoang này đang khiến nhiều người dân sống quanh khu vực này tỏ ra xót xa. Đồng thời cũng khiến bộ mặt khu đô thị trở nên nhếch nhác, ngổn ngang sau nhiều năm dự án được phê duyệt.