Nhiều dự án "đắp mền" vì... tiền sử dụng đất
(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp để các địa phương khẩn trương xác định tiền sử dụng đất đối với các doanh nghiệp đã tạm nộp tiền sử dụng đất hoặc đang được rà soát xác định tiền sử dụng đất bổ sung.
Ngày 9/11, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã thông tin lại một số nội dung cuộc họp bàn về nội dung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản diễn ra vào ngày 8/11 tại TPHCM do Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì và tại Hà Nội do Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì.
Theo HoREA, thị trường bất động sản tại TPHCM có vị trí quan trọng, đóng góp hơn 11% GPD cả nước. Tuy vậy, 70% các dự án tại TPHCM đang gặp khó khăn về vấn đề pháp lý trong quá trình chuẩn bị đầy tư, xây dựng và kinh doanh. Nguyên nhân do nhiều quy định chưa đồng bộ, thủ tục hành chính kéo dài khiến doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh, tăng chi phí đầu tư.
Để tháo gỡ khó khăn trên, các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập ban công tác đặc biệt hoặc tổ công tác đặc biệt để doanh nghiệp kêu cứu mỗi khi gặp khó.
Các doanh ngiệp cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Cùng với đó, các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện xác định tiền sử dụng đất đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại đã tạm nộp tiền sử dụng đất hoặc đang được rà soát xác định tiền sử dụng đất bổ sung. Đây là nguyên nhân khiến nhiều dự án phải kéo dài thời gian triển khai gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, ảnh hưởng đến đời sống người mua dự án.
Trước đó, để giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản thành phố, HoREA, đã có 4 văn bản gửi UBND TPHCM và Sở Xây dựng báo cáo tổng hợp kiến nghị của các doanh nghiệp bất động sản đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc cho 116 dự án bất động sản nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội. Đồng thời kiến nghị UBND TPHCM xem xét tháo gỡ vướng mắc từ các dự án và nhà ở này.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thị trường bất động sản đang rất khó khăn nên nếukhông có giải pháp xử lý hiệu quả thì nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó, người muốn sở hữu nhà đất cũng gặp khó theo.
Ông Châu cho rằng, các vướng mắc tại các dự án phát triển nhà ở tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Nguyên nhân do hệ thống luật còn chồng chéo, nhiều quy định về đóng tiền sử dụng đất và các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai chưa được giải quyết khiến hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn "trùm mền" nhiều năm. Chính điều này khiến không ít doanh nghiệp bị khiếu kiện, khiếu nại vì bội tín với khách hàng.
Là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi tình trạng trên, vừa qua, Công ty CP Đầu tư Anh Tuấn (chủ đầu tư dự án Khu dân cư Phường Phú Thuận, quận 7) đã có đơn kêu cứu gửi UBND TPHCM nhằm gỡ rối cho dự án sớm được triển khai.
Theo công ty này, dự án đã kéo dài 12 năm, nguồn gốc đất thực hiện dự án do chủ đầu tư tự đền bù, được UBND TPHCM giao đất thực hiện dự án từ năm 2017. Chủ đầu tư đã thi công hoàn thiện hạ tầng dự án đã được 7 năm nhưng không được xây dựng nhà ở thấp tầng dù đã được Sở Xây dựng duyệt mẫu nhà.
"12 năm qua, công ty đã phải gồng mình xoay trở để tồn tại, chi phí tài chính từ dự án phá sinh lớn rất nhiều lần so với dự tính. Do nhiều vướng mắc trong quá trình giải quyết hồ sơ, nên đến nay công ty vẫn còn chưa được thực hiện nghĩa vụ tài chính cho dự án. Trong suốt mấy năm qua Công ty Anh Tuấn đã nhiều lần gửi văn bản lên UBND Quận 7, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài Chính với mong muốn được thực hiện nghĩa vụ tài chính cho dự án, nhưng vẫn chưa được thực hiện", đại diện doanh nghiệp than thở.
Trong đơn kêu cứu, doanh nghiệp này mong muốn lãnh đạo UBND TPHCM chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan xúc tiến thủ tục cần thiết để giúp dự án Khu dân cư Phú Thuận, Quận 7 được gia hạn thời gian thực hiện dự án và được nộp tiền sử dụng đất cho dự án. Dự án càng kéo dài, doanh nghiệp và người mua dự án càng chịu nhiều thiệt thòi.