Quy định khung làm “đông cứng” giá đất

Để giá đất “thân thiện” hơn với doanh nghiệp và người dân, trở thành động lực thúc đẩy thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung đã đến lúc bỏ quy định về khung giá đất.

Quy định khung làm “đông cứng” giá đất - 1

Khung giá đất hiện nay do Nhà nước quy định có khoảng cách rất lớn so với giá thực tế trên thị trường. (Đồng Khởi - 1 trong 03 tuyến đường có mức giá cao nhất tại TP HCM)

Theo quy định hiện nay, khung giá đất, bảng giá đất (được cập nhật bằng hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm) đang có tác động trực tiếp đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của cá nhân, tổ chức.

Giá đất chưa “mang hơi thở của cuộc sống”

Ví dụ trường hợp một doanh nghiệp thực hiện dự án khu đô thị tại một địa phương, khi lập dự án tổng thể, lên phương án vốn để thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất như nộp tiền sử dụng sử dụng một lần hoặc trả hàng năm dựa trên hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) của thời điểm đó. Tuy nhiên, có thể sang năm sau dự án mới được cơ quan chức năng thông qua. Khi đó, hệ số K có thể đã được địa phương thay đổi dẫn đến phương án vốn ban đầu của doanh nghiệp phải điều chỉnh...

Ngoài ra, cơ chế xác định giá đất dựa trên khung giá đất ban hành 5 năm một hiện nay đang tạo ra khoảng cách rất lớn giữa giá đất do Nhà nước quy định so với giá thực tế trên thị trường.

Có thể dẫn ra ví dụ như trường hợp áp dụng cơ chế xây dựng khung giá đất, bảng giá đất để xác định giá đất tại 03 tuyến đường có mức giá cao nhất là Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ thuộc quận 1 TP HCM (đô thị đặc biệt). Giá của Nhà nước là 405 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất thị trường ở mức trên 1 tỷ đồng/m2.

Nên bỏ quy định về khung giá đất

Hiện nay, việc tính giá đất căn cứ đầu tiên là khung giá đất do Chính phủ ban hành 5 năm một lần (theo quy định tại điều 113, Luật Đất đai 2013). Sau đó, UBND các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào khung giá đất và căn cứ vào thực tế tại địa phương sẽ quy định hệ số điều chỉnh giá đất hay chính là hệ số K tại từng địa phương. Những quy định tưởng như rất chặt chẽ trên đây lại đang bộc lộ hạn chế và chưa “mang hơi thở của cuộc sống”.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có quy định về việc điều chỉnh khung giá đất khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng hoặc giảm từ 20% trở lên. Tuy nhiên, nhiều năm qua Bộ TN&MT và các địa phương vẫn “quên” chưa trình Chính phủ thực hiện điều chỉnh khung giá đất, dù giá thị trường đã có nhiều biến động.

Do đó, HOREA thống nhất với UBND TP HCM kiến nghị bãi bỏ quy định “Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần” tại Điều 113 Luật Đất đai. Trong lúc chưa sửa đổi Luật Đất đai, HOREA đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội thí điểm giao TP HCM chịu trách nhiệm ban hành bảng giá đất theo giá thị trường.

Theo Lê Hoàng Châu (Chủ tịch HOREA)

Diễn đàn Doanh nghiệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm