Qua đỉnh sốt đất, nhà đầu tư vay tiền ngân hàng ồ ạt cắt lỗ, tháo chạy

Hà Phong

(Dân trí) - Gần đây, một số nhà đầu tư không chuyên, sử dụng đòn bẩy tài chính bắt đầu rao bán cắt lỗ các bất động sản.

Ồ ạt cắt lỗ 

Chị Trần Phương Dung - một nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội - chia sẻ chị đang rao bán cắt lỗ lô đất hơn 750 m2 tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất với giá 3,5 tỷ đồng, tương đương 4,6 triệu đồng/m2.

"Giá lô đất này tôi mua cuối năm 2021 là 3,75 tỷ đồng. Nhưng, hiện tại do đang cần tiền trả ngân hàng, tôi buộc phải rao bán cắt lỗ, giảm 250 triệu đồng so với giá lúc mua vào", chị Dung nói.

Qua đỉnh sốt đất, nhà đầu tư vay tiền ngân hàng ồ ạt cắt lỗ, tháo chạy - 1

Đất nền khu vực Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) rao bán sau thời gian "sốt nóng" (Ảnh: Hà Phong).

Tương tự như chị Dung, anh Nguyễn Văn Đức (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang loay hoay bán lô đất nền ở huyện Thạch Thất để thu hồi vốn và trả nợ ngân hàng.

Theo anh Đức, anh mua lô đất diện tích 60 m2 tại xã Tân Xã với giá 1,2 tỷ đồng, tương đương 20 triệu đồng/m2 vào khoảng thời gian đầu năm nay. Giờ anh đang rao bán cắt lỗ, thấp hơn giá mua 200 triệu đồng so với giá mua vào.  

"Với mục đích đầu tư, phần lớn số tiền mua đất trên tôi là vay mượn ngân hàng. Tuy nhiên, hiện tại thị trường đang chững lại, bên cạnh đó, ngân hàng rục rịch tăng lãi suất khiến tôi lo lắng và rao bán cắt lỗ. Nếu may mắn bán được luôn, tôi chỉ lỗ một ít, chứ để lâu tôi mất luôn cả vốn", anh Đức nói. 

Anh Trần Hữu Thành - một môi giới lâu năm ở khu vực Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) - thừa nhận, tình trạng khách hàng có nhu cầu bán cắt lỗ đất nền tăng nhanh thời gian gần đây. Những trường hợp bán cắt lỗ rơi vào những nhà đầu tư không chuyên, sử dụng đòn bẩy tài chính.

"Tôi đang bán một lô đất nền 196 m2 tại xã Yên Bình cho khách. Giá bán hiện tại đã cắt lỗ tới hơn 300 triệu đồng nhưng cả tháng nay không chốt được giao dịch", anh Thành nói và cho rằng, toàn thị trường đất nền ven đô đang chững lại. 

Lo ngại vỡ bong bóng

Những biến động về giá cả và mức độ quan tâm vào bất động sản, cùng với việc giá vật liệu xây dựng đầu vào tăng không ngừng đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà thầu xây dựng. Những điều này góp phần đẩy giá nhà, đất lên cao, nhưng thanh khoản lại ngược lại.  

Tuy nhiên, hiện tại thị trường bất động sản ở nhiều nơi từng "sốt nóng" đang chững lại, nhu cầu quan tâm tới bất động sản giảm và giao dịch trầm lắng. Do đó, thị trường đã có hiện tượng một số nhà đầu tư không chuyên và dùng đòn bẩy tài chính rao bán "cắt lỗ" một số bất động sản nhỏ, không có lợi thế về hạ tầng.

Qua đỉnh sốt đất, nhà đầu tư vay tiền ngân hàng ồ ạt cắt lỗ, tháo chạy - 2

Nhiều khu vực ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) từng "sốt nóng" nhưng giờ lại vắng vẻ (Ảnh: Hà Phong).

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhiều doanh nghiệp dựa vào vay ngân hàng để phát triển dự án sắp tới sẽ bị ảnh hưởng nặng vì không có vốn để phát triển dự án, thậm chí dẫn đến việc co hẹp quy mô. Trong khi những doanh nghiệp có dự án đang hình thành và đang bán sẽ bị ảnh hưởng vì người mua nhà bị động hơn, khó khăn trong tiếp cận vốn vay, lãi suất vay mua bất động sản tăng cao.

Thậm chí, một số chuyên gia bất động sản còn lo ngại rằng, đến một thời điểm nhất định, giá tăng quá cao khiến tính thanh khoản không còn, khi đó, bong bóng sẽ vỡ, giao dịch giảm mạnh, kéo theo giá bất động sản cũng giảm mạnh, gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế.

"Thị trường hiện nay đang đứng hình. Tức là thanh khoản giảm rất mạnh, người mua sẽ không dám mua còn người bán đang do dự, không muốn giảm giá nhiều. Song, thị trường đóng băng nhiều khi còn nguy hiểm hơn bong bóng bởi khi đó, những người ôm đất không bán được, không ít người rơi vào cảnh tay trắng ", TS. Đinh Thế Hiển nêu quan điểm. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm