Phú Quốc 6 năm trước phản chiếu tiềm năng hiện tại của thị trường Phan Thiết
(Dân trí) - Nhìn từ hình ảnh của Phú Quốc 6 năm trước khi sân bay quốc tế đi vào hoạt động, có thể thấy rõ tiềm năng của thị trường Phan Thiết hiện tại, khi Cảng hàng không Phan Thiết sắp chính thức khởi công vào quý III/2019.
Sân bay quốc tế góp phần thay đổi diện mạo Phú Quốc
Trước năm 2013, Phú Quốc là một hòn đảo hoang lạnh, chỉ có rừng, rẫy hồ tiêu, rẫy sim, nhiều diện tích đất hoang không người canh tác và rất hiếm du khách lui tới. Giá đất ở đây rất rẻ, không có chủ đầu tư bất động sản nào đổ tiền vào xây dựng resort.
Lý giải vì sao Phú Quốc được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều cảnh quan đẹp và độc đáo, nhưng lại “vắng bóng” dự án bất động sản. Nhiều nhà đầu tư chia sẻ, họ đã quan tâm để ý đến Phú Quốc từ rất lâu. Nhưng họ chỉ đưa ra được quyết định đầu tư khi các cơ sở hạ tầng được nâng cấp hơn thì mới dám mạnh tay rót vốn.
Có thể thấy, Phú Quốc sở hữu nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, nhưng nếu không được đầu tư về hạ tầng như sân bay quốc tế, đường trục Bắc Nam, đường vòng quanh đảo, đường cáp ngầm đưa điện ra đảo, thì có lẽ còn rất lâu Phú Quốc mới thuyết phục được các nhà đầu tư đến với mình.
Đáng chú ý, sau khi Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đi vào hoạt động vào tháng 12/2012, từ Phú Quốc chỉ mất 1-2 giờ di chuyển từ các trung tâm du lịch lớn của khu vực như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, TP.HCM, Hà Nội... Khách du lịch đổ về “đảo ngọc” tăng đột biến và đến nay vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Theo thống kê năm 2018, Phú Quốc đã đón hơn 4 triệu lượt khách du lịch, tăng 20 lần so với năm 2013, thời điểm sân bay mới đi vào vận hành.
Du lịch phát triển, kéo theo các dự án “khủng” liên tục đổ bộ về Phú Quốc, thay đổi diện mạo của vùng đất này. Hầu hết các dự án bất động sản tại “đảo ngọc” đều có sự góp mặt của rất nhiều các “ông lớn” tiềm lực tài chính mạnh, tầm cỡ quốc gia, quốc tế trên lĩnh vực du lịch, bất động sản như VinGroup, BimGroup, CeoGroup, SunGroup…
Nhờ sự phát triển đồng bộ của hệ thống hạ tầng giao thông, cộng hưởng cùng dòng vốn tỷ đô của những đại dự án nghỉ dưỡng, giá bất động sản Phú Quốc cũng tăng vọt, được ví như “tấc đất tấc vàng”.
Ông Ngô Thanh Tùng - một Việt kiều Đức, năm 2011, trong một lần về nước, ông đến Phú Quốc và bỏ ra 500 triệu đồng để mua 3.000 m2 ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, thuộc khu phố 7, thị trấn Dương Đông. Sau 10 năm, tức là vào đúng thời điểm sân bay Phú Quốc hoàn thành, khu đất của ông Tùng tăng lên mức giá khoảng 30 tỷ đồng, tăng gấp 60 lần so với khi mua. Ông Tùng cho biết sẽ tiếp tục lấy vốn đầu tư vào bất động sản. Bởi theo ông, giá bất động sản ở Phú Quốc dù ở mức rất cao nhưng chưa dừng lại.
Phan Thiết “bứt phá” nhờ hạ tầng như câu chuyện 6 năm trước của Phú Quốc
Từ câu chuyện Phú Quốc thời điểm trước và sau khi có sân bay, có thể dễ dàng liên tưởng đến bức tranh đầy lạc quan của thị trường Phan Thiết ở thời điểm hiện tại.
Theo khảo sát, giá đất tại Mũi Né hiện đang khá thấp, chỉ từ 8-16 triệu/m2 tùy theo vị trí. Mức giá này được xem là quá “hời” với lợi thế sẵn có của Mũi Né - điểm du lịch sở hữu bãi biển tuyệt đẹp, với khí hậu quanh năm ôn hoà, lại sát cạnh TP.HCM.
Ông Thạnh Bình Nguyên – Chuyên gia địa ốc của CBRE cho rằng, Mũi Né như “nàng công chúa ngủ quên”, đầu tư ở thời điểm giá đất rẻ như hiện tại, 2-3 năm nữa khi sân bay hoàn thành, nhà đầu tư sẽ sở hữu “con gà đẻ trứng vàng”. Và chắc chắn nhà đầu tư sẽ không phải đợi quá lâu vì theo thông tin mới nhất từ UBND tỉnh Bình Thuận, sân bay Phan Thiết dự kiến sẽ chính thức khởi công vào quý III/2019. Bên cạnh đó, dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với tổng mức đầu tư gần 15.000 tỷ cũng dự kiến khởi công trong 6 tháng tới.
Thông tin 2 siêu dự án sân bay và cao tốc chính thức khởi công đã kích mức giá của Phan Thiết tăng cao như câu chuyện của Phú Quốc năm 2013 khi sân bay quốc tế đi vào hoạt động.
Ở thời điểm hiện tại, chưa cần sân bay đi vào hoạt động, “sức nóng” giá đất của Mũi Né – Phan Thiết diễn ra đồng bộ và tập trung tăng mạnh nhất tại các đường Huỳnh Thúc Kháng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Đình Chiểu. Đây được mệnh danh là “cung đường resort” với sự quy tụ của gần trăm dự án nghỉ dưỡng cao cấp, điển hình như: NovaHill của Tập đoàn Novaland; Sentosa do Hưng Thịnh đầu tư; hay Goldsand Hill Villa của Công ty Lộc Tú và VNGroup…
Ở thời điểm hiện tại, dự án Goldsand Hill Villa của Lộc Tú và VNGroup, mặc dù mới công bố ra thị trường được hơn 3 tháng, nhưng mức tiêu thụ của dự án này rất ấn tượng, gần 300 căn villa nghỉ dưỡng của dự án đều đã được các nhà đầu tư sở hữu và sở hữu mức tăng giá trên thị trường thứ cấp từ 15% -20%.
Chính sự đổ bộ các dự án nghỉ dưỡng tỷ đô của các đại gia đại ốc, cùng sự phát triển đồng bộ của hạ tầng đã góp phần làm “thay da đổi thịt” thị trường bất động sản Phan Thiết, mở đầu cho cuộc chạy đua tăng giá trong thời gian tới.
Cẩm Tú