Phòng Tatami: Linh hồn của ngôi nhà Nhật Bản
(Dân trí) - Trước đây chỉ những người giàu mới có khả năng sở hữu, không gian tatami vẫn giữ được sự độc tôn của mình ở thời điểm hiện tại, dễ thấy trong những khách sạn mang phong cách truyền thống của Nhật Bản.
Chiếu tatami không hề xa lạ trong văn hóa Nhật Bản. Vật liệu trải sàn truyền thống này gắn bó chặt chẽ với những không gian đậm phong cách Nhật Bản. Từ nhà ở cho tới ryokan, onsen hay thậm chí là nhà hàng, quán cà phê, phòng tatami - yếu tố đặc biệt trong căn nhà truyền thống Nhật Bản - được sử dụng rộng rãi.
Tới nay, trong nhiều công trình nhà ở, phòng tatami vẫn luôn hiện diện cho dù căn nhà thời thượng tới mức nào. Trong khi thúc đẩy mạnh mẽ tinh hoa di sản Nhật Bản về mặt không gian, phòng tatami có tính thích ứng và chức năng tuyệt vời, đảm bảo tầm quan trọng của mình trong các ngôi nhà hiện tại.
Từ “tatami” bắt nguồn từ động từ "tatamu", có nghĩa là "gấp" – tương tự như khi không sử dụng, các tấm chiếu thường được gấp lại hoặc xếp chồng. Được dệt từ rơm rạ, các tấm chiếu tatami với kích thước 910mm x 1.820mm được người ta dùng để ngồi hoặc ngả lưng trên sàn cho thoải mái. Phòng tatami kiểu Nhật truyền thống (còn được gọi là “washitsu”) sử dụng chiếu tatami để trải nền. Dưới thời Muromachi (1336-1573), không gian này được dùng làm phòng học cho giới nhà giàu, trước khi dần trở thành nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ của dân thường.
Trong văn hóa truyền thống Nhật Bản, phòng tatami thường được dùng để tiếp khách, thực hành trà đạo hoặc đặt ban thờ.
Ngày nay, người Nhật sử dụng washitsu như một không gian đa năng, từ những mục đích cụ thể như làm phòng ngủ, phòng khách, phòng chơi cho trẻ nhỏ… cho tới những mục đích linh hoạt hơn như phòng sinh hoạt chung. Nhờ lối bài trí nội thất tối giản nên gia chủ có thể tùy nghi sử dụng nhiều mục đích.
Chiếu tatami
Chiếu tatami thiết yếu trong các ngôi nhà Nhật Bản tới mức kích thước phòng ở Nhật thường được đo bằng số chiếu trải vừa sàn. Việc dùng chiếu tatami để trải sàn cũng quyết định kiểu nội thất mà người Nhật sử dụng. Nhìn chung, người Nhật thường cảm thấy thoải mái hơn với những món đồ nhẹ, tối giản, dễ di chuyển xung quanh không gian sống của mình.
Mặc dù ngày càng có nhiều người kết hợp nội thất kiểu Âu trong không gian sống, một số vật dụng vẫn khó có thể thay thế - ví dụ như đệm ngồi zabuton, bàn trà thấp chabudai, ghế tựa không chân zaisu, bàn sưởi kotatsu và đệm ngủ futon.
Những vật dụng này có thể được xem là cần thiết trong bất cứ ngôi nhà Nhật Bản nào, đặc biệt là trong phòng tatami. Nhờ tính di động của chúng nên khi đồ đạc không cần dùng tới, phòng tatami dễ dàng được giải phóng không gian để sử dụng với mục đích khác.
Cửa trượt: fusuma
Fusuma là những tấm chữ nhật thẳng đứng, có thể trượt sang hai bên. Cửa thường được đặt giữa các phòng liền kề để tạo thành bức tường lớn có khả năng tháo rời, cho phép khép kín hoặc mở thông một không gian khi cần thiết. Bởi các căn nhà Nhật Bản có xu hướng hạn chế về diện tích nên khả năng thích ứng của không gian sẽ là điều mà người lưu trú thích thú.
Cửa sổ, vách ngăn mờ: shouji
Một loại vách ngăn, thường được dùng làm cửa sổ trong các nơi ở được gọi là shouji - tạo thành từ các khung lưới gỗ phủ giấy mờ. Shouji mang lại mức độ riêng tư nhất định nhưng vẫn tạo điều kiện cho ánh sáng tự nhiên nhẹ nhàng tràn vào phòng. Một ưu điểm khác của shouji là giảm lạnh bởi lớp giấy có khả năng cản gió đi qua cửa sổ.
Tủ âm tường: oshiire
Oshiire là một phần tủ nhỏ được sử dụng làm nơi trữ đồ trong phòng tatami. Hầu hết người Nhật ngủ trên sàn và họ tận dụng chiếc tủ để cất chăn ga gối đệm. Mặc dù hiện tại ngày càng nhiều người ưa dùng giường kiểu Tây nhưng vẫn không thể bỏ qua chức năng của oshiire. Ngoài dùng để cất đồ, cấu trúc tích hợp này còn tạo điều kiện sử dụng căn phòng với mục đích khác, giải phóng không gian khi cần thiết.
Mặc dù washitsu là sự kết tinh và chắt lọc của hàng trăm năm kiến trúc và văn hóa Nhật Bản, nó sẽ không ngừng phát triển. Dù phục vụ chức năng không gian nào, thì phòng tatami sẽ vẫn là một phần quan trọng trong căn nhà Nhật Bản một thời gian rất dài nữa.