Paantu - "Lễ hội ông kẹ" cầu may mắn của người dân đảo Miyako

(Dân trí) - Paantu còn được gọi là lễ hội bùn, được thực hiện để xua đuổi xui xẻo và cầu mong may mắn cho trẻ em.

Paantu được mệnh danh là một trong những lễ hội độc đáo và kỳ lạ nhất ở đất nước Nhật Bản. Đây đã từng là một lễ hội lớn được tổ chức trên khắp các hòn đảo của tỉnh Okinawa nhưng hiện chỉ còn phổ biến ở Miyako và một vài hòn đảo khác ở phía Tây nam xa xôi.

Paantu - Lễ hội ông kẹ cầu may mắn của người dân đảo Miyako - 1
Paantu là một trong những lễ hội độc đáo và kỳ lạ nhất ở đất nước Nhật Bản. Nguồn ảnh: Imgur

Nếu Việt Nam có ông kẹ thì Nhật Bản có ông paantu. "Paantu" là thuật ngữ tiếng Nhật để chỉ một linh hồn ma quỷ trông rất đáng sợ được bao phủ bởi bùn và lá cây. Người dân Okinawa từ xa xưa có truyền thống dạy những đứa trẻ nhỏ rằng nếu chúng làm điều sai trái thì sẽ bị paantu bắt đi. 

Lễ hội Paantu được thực hiện để xua đuổi xui xẻo và cầu mong may mắn cho trẻ em. Điều đặc biệt nhất của lễ hội là sẽ có ba người đàn ông hóa trang thành các paantu cầm theo một cây gậy với bùn và lá cây che phủ khắp người.

Paantu - Lễ hội ông kẹ cầu may mắn của người dân đảo Miyako - 2
Nếu Việt Nam có ông kẹ thì Nhật Bản có ông paantu. Nguồn ảnh: Kuwa

Nhiệm vụ của những người đàn ông này là sẽ đi xung quanh lễ hội, đuổi theo các bạn nhỏ hoặc du khách và ném bùn vào mọi người. Mặc kệ bạn là dân địa phương hay là du khách, mặc kệ nhà bạn mới xây hay xe bạn mới rửa, tất cả đều được trét đầy bùn lên.

Paantu - Lễ hội ông kẹ cầu may mắn của người dân đảo Miyako - 3
Nhiệm vụ của các paantu là ném bùn vào mọi người. Nguồn ảnh: Cool Japan

Có thể lúc đầu khi chưa quen thì mọi người thường có cảm giác sợ hãi, nhưng theo quan niệm của người Nhật, khi bạn được chạm vào paantu, điều đó có nghĩa là may mắn sẽ đến với bạn. Mặc dù với các bạn nhỏ, việc bị bắt và ném bùn vào người bởi các paantu quả thực không phải là một nhiệm vụ đơn giản.

Paantu - Lễ hội ông kẹ cầu may mắn của người dân đảo Miyako - 4
Chạm vào paantu là mang lại may mắn. Nguồn ảnh: Japan Info
Paantu - Lễ hội ông kẹ cầu may mắn của người dân đảo Miyako - 5
Trẻ em thường sợ hãi khi gặp các paantu. Nguồn ảnh: Unseen Japan

Đảo Miyako là một trong số ít những nơi trên trái đất theo chế độ mẫu hệ. Phụ nữ ở đây thường đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ, họ nắm giữ chức vụ tu sĩ hoặc quản lý các ngôi làng hoặc rừng với tư cách là người bảo vệ.

Chính vì vậy trong lễ hội Paantu, nữ giới sẽ được lựa chọn làm nữ tư tế noro có nhiệm vụ bảo vệ hòn đảo khỏi ma quỷ. Họ mặc trên mình những bộ quần áo bằng lá cọ, mang theo thanh long não thơm và hô vang "hoi, hoi, hoi". Những nữ tư tế thực hiện nghi thức diễu hành cùng với các paantu và thực hiện nhiều nghi lễ để cầu may mắn cho ngôi làng.

Lễ hội Paantu được tổ chức thường niên vào tuần đầu tiên của tháng 10 trong hai ngày. Ngày chính xác tổ chức lễ hội chỉ được thông báo trước đó. 

Paantu - Lễ hội ông kẹ cầu may mắn của người dân đảo Miyako - 6
Tuy nhiên lễ hội này ngày càng bị mai một. Nguồn ảnh: Japan Info

Gần đây, nhiều người dân địa phương của quần đảo Miyako phản ánh rằng lễ hội Paantu đang dần bị mai một vì ngày càng có nhiều nam giới miễn cưỡng tham gia. Họ phải dựa vào những bé trai mới 12 tuổi và bắt chúng ăn mặc như paantu.

Ngay cả số lượng nữ tư tế trong các ngôi làng cũng đang giảm dần. Cuộc sống hiện đại khiến cho ngày càng có nhiều người làm ngơ với những truyền thống.