Osouji - tục dọn nhà chào đón vị thần năm mới của người Nhật
(Dân trí) - Dọn dẹp nhà cửa không chỉ để phủi bụi, làm sạch nơi ở mà còn là hình thức tống khứ những xui rủi của năm cũ, chào đón vị thần năm mới Toshigami.
Theo quan niệm truyền thống Nhật Bản, Toshigami là vị thần đạo Shinto sẽ ghé thăm mỗi ngôi nhà trên đất nước này dịp năm mới, mang đến sức khỏe và may mắn cho gia đình. Trước khi năm mới đến và để chuẩn bị đón chào thần Toshigami, các gia đình Nhật cần chuẩn bị và thực hiện một số tập tục, bao gồm việc treo trước cửa nhà những sợi thừng bện từ rơm shimekazari.
Bên cạnh đó, các ngôi nhà cũng cần được lau chùi dọn dẹp sạch sẽ trong tập tục osouji để chào đón vị thần. Một số truyền thống đón mừng vị thần năm mới khác tại Nhật Bản gồm chuẩn bị cỗ osechi, bày đĩa gồm hai bánh gạo tròn xếp chồng lên nhau kagami mochi, quả cam và nhiều đồ trang trí khác.
Tập tục dọn nhà cửa sạch sẽ để đón vị thần năm mới có từ thời Heian tại Nhật Bản. Vào thời đó, chỉ Cung điện Hoàng gia Nhật Bản mới được dọn dẹp sạch sẽ vào cuối năm trong nghi thức susuharai. Sau đó, nghi thức quét dọn cuối năm được thực hiện tại các ngôi đền và tới thời Edo, các tầng lớp dân thường Nhật Bản cũng thực hiện dọn dẹp nhà cửa đón năm mới.
Hình thức dọn dẹp nhà cửa không chỉ đơn giản để phủi bụi, làm sạch nơi ở mà còn là hình thức tống khứ những xui rủi của năm cũ cũng như thanh lọc tâm hồn, chuẩn bị một tinh thần mới, tâm thế mới để đón chào năm mới.
Hoạt động chính trong tập tục osouji là susuharai, có nghĩa là quét sạch bụi bẩn. Đồ nội thất, cửa sổ, và những vị trí góc khuất, khó chùi rửa trong nhà đều được lau dọn sạch sẽ. Những khu vực thường ngày không được lau chùi sẽ được dọn dẹp kỹ lưỡng hơn. Nghi thức này khá quan trọng vào thời Edo, khi các gia đình Nhật Bản thường có bếp đun trong nhà, khiến bồ hóng bám trên tường nhà và những nơi khác.
Một hoạt động khác trong cuộc tổng vệ sinh cuối năm là seiri, nghĩa là sắp xếp đồ đạc gọn gàng. Sau khi căn phòng được quét dọn và lau chùi sạch sẽ, đồ đạc trong phòng cần được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp, những đồ đạc cũ, không cần thiết được loại bỏ.
Osouji không chỉ được thực hiện ở các gia đình Nhật Bản, mà còn diễn ra tại các công sở ở nước này dịp cuối năm. Người lao động lau chùi, dọn dẹp góc làm việc để chuẩn bị cho một năm làm việc mới. Sau khi nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, người Nhật mới bắt đầu trưng những món đồ trang trí, vật cầu may cho năm mới.