Dừng sáp nhập Ricons, tham vọng vớt phong độ của đại gia Coteccons có thành?

(Dân trí) - Theo diễn biến mới nhất tại ĐHĐCĐ diễn ra ngày 9/4 thì việc sáp nhập Ricons vào Coteccons bị gác lại. Trong khi đó việc sáp nhập với Ricons được kỳ vọng tăng cường lợi thế cạnh tranh, tăng doanh thu và lợi nhuận của đại gia xây dựng Coteccons.

Dừng sáp nhập Ricons, tham vọng vớt phong độ của đại gia Coteccons có thành? - 1

Việc sáp nhập Ricons vào Coteccons bị gác lại

Kỳ vọng lấy lại phong độ nếu sáp nhập Ricons

Hôm qua (9/4), CTCP Xây dựng Coteccons (Mã CK: CTD) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên.

Một trong các nội dung quan trọng được bàn đến tại đại hội này là việc hoán đổi cổ phiếu để sở hữu 100% CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons.

Kế hoạch này từng được Coteccons đưa ra từ năm trước nhưng đã dời lại sang năm nay. Theo lãnh đạo Coteccons, việc sở hữu Ricons sẽ giúp Coteccons tạo lợi thế cạnh tranh về quy mô, tăng năng lực triển khai các dự án lớn và đặc biệt lớn, thúc đẩy việc tăng doanh thu và lợi nhuận công ty.

Báo cáo tài chính năm 2018 vừa công bố cho thấy nếu sáp nhập Ricons, hy vọng tăng doanh thu, lợi nhuận của công ty là có thể.

Nếu so sánh về tình hình kinh doanh của Coteccons và Ricons thì có thể thấy trong khi Coteccons đang có dấu hiệu đi xuống thì Ricons lại có tốc độ tăng trưởng rất tốt.

Cụ thể, năm 2018, lợi nhuận Coteccons giảm hơn 10%, xuống mức 1.500 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận của Ricons là hơn 431 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước đó.

Tại đại hội, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons nhắc lại, việc sáp nhập với Ricons để tăng cường lợi thế cạnh tranh của CTD bởi nếu sáp nhập Ricons, Coteccons sẽ có 3 công ty xây dựng trong top 5 công ty lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam.

Tuy nhiên theo diễn biến mới nhất tại ĐHĐCĐ diễn ra sáng nay thì việc sáp nhập Ricons bị gác lại. Giả thiết, nếu CTD sở hữu 100% Ricons thì CTD có thể ghi nhận thêm gần 500 tỷ đồng lợi nhuận, là lợi nhuận mà Ricons có khả năng đạt được trong năm 2019.

Được biết, cổ đông phản đối mạnh mẽ nhất việc sáp nhâp Ricons là Kustocem - thành viên của Kusto Group. Kustocem trở thành cổ đông của Coteccons từ năm 2012 và là một trong những cổ đông nước ngoài đầu tiên đầu tư vào Coteccons.

Theo Kustocem, với thương vụ mua bán sáp nhập với Ricons, Kustocem không thấy được tính hợp lý và chiến lược rõ ràng.

“Thương vụ M&A với Công ty Ricons sẽ không mang lại bất cứ lợi ích và giá trị nào có liên quan tới hoạt động vận hành của Coteccons hiện tại. Thay vào đó, Kustocem tin rằng việc ban lãnh đạo tập trung vào giá trị cốt lõi của công ty sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn thương vụ M&A này”, Kustocem viết trên website của mình.

Thậm chí theo cổ đông này, việc sử dụng cổ phiếu của Coteccons để chi trả cho các thương vụ M&A không hợp lý đến khi hiệu quả hoạt động tài chính của Coteccons khởi sắc hơn và giá cổ phiếu đạt đến giá trị thực xứng đáng.

Dừng việc bàn chuyện sáp nhập Ricons

Trong khi đó, nhiều cổ đông lại đồng thuận trước phương án sở hữu Ricons. Phát biểu tại Đại hội, ông Johnathan, Phó Tổng giám đốc PwC đánh giá, Ricons là công ty xây dựng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao, có uy tín và nằm trong Top 10 công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam.

Trước những tranh luận trái chiều, Chủ tịch Coteccons Nguyễn Bá Dương cho rằng cần dừng lại tại đây (không biểu quyết tờ trình phương án sáp nhập) vì “Ricons không phải mang ra để soi mói”. Ông này cũng khẳng định, việc sáp nhập Ricons vào Coteccons không vì lợi ích cá nhân các lãnh đạo mà vì lợi ích chung của công ty.

Được biết, sang năm 2019, Coteccons đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 27.000 tỷ đồng, giảm hơn 1.500 tỷ đồng so với doanh thu năm trước (tương đương 5,5%); lợi nhuận hợp nhất 1.300 tỷ đồng, giảm 210 tỷ đồng (tương đương 14%).

Trước đó, báo cáo tài chính năm 2018 công bố cho thấy lợi nhuận của Coteccons bắt đầu sụt giảm sau nhiều năm liền tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, lợi nhuận Coteccons giảm hơn 10%, xuống mức 1.500 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu là do biên lợi nhuận gộp của Coteccons ngày càng thấp trong khi doanh thu đang tăng chậm lại và giá vốn tăng cao. Như vậy ngay cả khi hoàn thành mục tiêu đặt ra, Coteccons vẫn sẽ có 2 năm liên tiếp chịu cảnh sa sút về lợi nhuận.

Đứng trước triển vọng kinh doanh không mấy sáng sủa, cổ phiếu Coteccons cũng ảm đạm trong một năm trở lại đây. Sau thông tin dừng bàn việc sáp nhập Ricons, chốt phiên ngày 9/4, cổ phiếu CTD chỉ còn ở mức 131 nghìn đồng/cp.

Nguyễn Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm