Ôm hàng chờ ăn chênh, "sốt" đất hạ nhiệt, "cò" nhận trái đắng, lâm cảnh nợ nần

Không chỉ có nhà đầu tư bán cắt lỗ, bán tháo, khi "sốt đất" hạ nhiệt, nhiều "cò đất" bị rơi vào cảnh nợ nần chồng chất vì bị cuốn vào làn sóng "ôm" đất...

"Cò đất" ôm hàng chờ ăn chênh

Thời gian qua, nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng "sốt đất" khó tin. Đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng, cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng.

Đáng chú ý, nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất, tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đầu tư vào đất đai.

Nghề "cò đất" cũng trở nên hấp dẫn hơn, bởi bất động sản thường có giá trị lớn, cho nên giới "cò đất" cũng "sướng như tiên" vì được hưởng hoa hồng cả của người bán lẫn khách mua. Cá biệt, nhiều "cò đất" chỉ cần ăn chênh một giá của giao dịch đã có vài chục triệu đồng trong tay.

Ôm hàng chờ ăn chênh, sốt đất hạ nhiệt, cò nhận trái đắng, lâm cảnh nợ nần - 1

Nhiều lô đất đấu giá tại Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội) rơi vào tình trạng bỏ không sau thời gian "sốt đất".

Và trong nhiều cơn "cơn sốt" đã qua, không thể không nhắc tới bàn tay của các môi giới bất động sản không chuyên, hay còn được gọi là "cò đất". Họ có thể là người dân địa phương có "sốt đất", làm nghề xe ôm, bán trà đá, quán ăn… cả những nhân viên kinh doanh đa cấp, bảo hiểm.

Cũng chính từ sự không chuyên và chỉ hiểu thị trường theo đám đông đang có nhu cầu đầu tư vào đất, nhiều "cò đất" cũng bị cuốn vào cơn "sốt đất". Bằng hình thức "lướt cọc", hoặc "ôm" đất… có "cò đất" đã thu về lợi nhuận lớn, nhưng có người lại lâm cảnh nợ nần.

Đến với nghề "cò đất" sau khi bỏ nghề chạy xe tải, anh Nguyễn Mạnh H. (Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ, lúc đầu chỉ là người dẫn khách đi xem đất, kết nối người có đất tại địa phương với nhà đầu tư, nhưng khi thấy giá đất tăng liên tục, cá nhân anh cũng mua luôn một ô đất chia lô 90m2 ở xã Tân Xã, huyện Thạch Thất cách đây 2 tháng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn "sốt đất", thị trường bắt đầu trầm lắng, anh đăng tin bán mãi không có người mua.

"Ô đất phân lô tôi mua là 90m2 với giá 1,5 tỷ đồng. Phần lớn số tiền đó tôi phải vay mượn ngân hàng. Giờ bán giá thấp hơn thì lỗ nặng, bán giá mong muốn thì không thể. Trong khi đó lãi ngân hàng phải trả đúng thời gian không sẽ thành nợ xấu", anh Hùng nói.

Ôm hàng chờ ăn chênh, sốt đất hạ nhiệt, cò nhận trái đắng, lâm cảnh nợ nần - 2

"Sốt đất" tạo ra nghề tay trái cho nhiều người dân là "cò đất".

"Sốt đất" hạ nhiệt, cò đất ôm trái đắng, lâm cảnh nợ nần

Cũng chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Sơn - một người có nhiều năm quan tâm tới kinh doanh đất đai ở Hà Nội nhận định, 100 người làm "cò đất" thì chắc có tới 98 người cũng tham gia đầu cơ đất. "Giới "cò đất" thường rất hiểu địa bàn, tiếp cận trực tiếp với người bán và người mua… nhưng khó thoát khỏi tâm lý đầu tư theo đám đông.

"Thị trường sôi động, có ngày một môi giới có thể chốt 5-7 giao dịch, kiếm được hàng chục triệu đồng "hoa hồng". Nhiều người lại nảy lòng tham "ôm" đất để bán giá chênh. Nhưng khi thị trường trầm lắng, nhiều người không cân đối được tài chính do phải đi vay mượn nhiều, trong khi đó đất bán không được, dẫn tới nợ nần", anh Sơn nói.

Đồng ý với nhận định của anh Sơn, anh Phạm Văn Hiệp - một "siêu cò đất" khu vực Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) và Lương Sơn (Hòa Bình) chia sẻ, trường hợp môi giới trở thành nhà đầu cơ cũng rất nhiều. Tuy nhiên, anh Hiệp thừa nhận, tỉ lệ người môi giới "ôm" đất kiếm được lợi nhuận cũng không nhiều.

Ôm hàng chờ ăn chênh, sốt đất hạ nhiệt, cò nhận trái đắng, lâm cảnh nợ nần - 3

Sau "sốt đất", không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ, cả "cò đất" cũng mắc kẹt tại các lô đất trống.

Cũng theo chia sẻ của anh Hiệp, thị trường bất động sản ở Hà Nội đã có nhiều lần xuất hiện tình trạng "sốt đất" cục bộ ở các khu vực là huyện có kế hoạch lên quận. Giá đất tại các khu vực trên tăng liên tục, nhưng người được hưởng lợi nhuận cuối cùng chắc chắn phải là những "tay chơi" địa ốc, còn người đầu tư thiếu chuyên nghiệp sẽ khó thoát khỏi nợ nần.

"Khi bị lạc với cơn "sốt đất", cả nhà đầu tư, môi giới chuyên nghiệp tới "cò đất" không chuyên thường bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông hám lợi. Cá nhân tôi cũng phải nhận "trái đắng" khi lao vào "ôm" đất giữa thời điểm thị trường sôi động", anh Hiệp chia sẻ thêm.

Thực tế, tình trạng "cò đất" thất thế, không hiếm gặp qua các câu chuyện "bài học xương máu" của ngành môi giới bất động sản. Đây là hệ lụy chung của cơn "sốt đất" được cơ quan chức năng tới chuyên gia cảnh báo.