Ồ ạt phát triển điện mặt trời sẽ tạo ra xung đột, nguy hiểm cho Việt Nam

Hoàng Dung

(Dân trí) - Ngoài kỳ tích dẫn đầu Đông Nam Á về công suất điện mặt trời thì việc phát triển nóng và nhanh các dự án điện mặt trời trang trại ở Việt Nam đã tạo ra nhiều xung đột về sử dụng đất.

Tại tọa đàm Phát triển điện mặt trời mái nhà hôm nay (25/8), bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) - cho biết: Việt Nam đã đạt được kỳ tích đáng mừng là dẫn đầu Đông Nam Á về công suất điện mặt trời. Nhưng việc phát triển nóng các dự án điện mặt trời trang trại trong thời gian gần đây đã gây nên một vấn đề xã hội mới là xung đột về sử dụng đất.

Đặc biệt, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng lấy đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng để làm trang trại điện mặt trời. Điều này dẫn tới mâu thuẫn và xung đột giữa chủ đầu tư và người dân địa phương.

Ồ ạt phát triển điện mặt trời sẽ tạo ra xung đột, nguy hiểm cho Việt Nam - 1

Tọa đàm phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam 

Theo bà Khanh, việc phát triển ồ ạt các trang trại mặt trời đơn mục tiêu sẽ không còn phù hợp trong điều kiện mới của Việt Nam. Thách thức này đòi hỏi cần tìm hướng đi mới, thúc đẩy phát triển điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp. Điện mặt trời nổi là 2 giải pháp đã được thử nghiệm, có khả năng giải quyết các xung đột sử dụng đất mà vẫn đảm bảo phát triển năng lượng tái tạo (NLTT).

Đánh giá tình hình chung, bà Khanh cũng cho rằng, sử dụng NLTT là xu hướng trong lai tương lai. Minh chứng điển hình nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát, giá dầu trên thế giới lao dốc, giá than giảm ở mức kỷ lục tại Úc nhưng NLTT là nguồn duy nhất vẫn tăng trưởng.

Trong đó, đầu tư cho xây dựng các nhà máy nhiệt điện than dự báo giảm 11% trong khi tính đến hết năm 2019, công suất điện mặt trời và điện gió đã tăng 15% so với năm 2018.

Phải kể đến, trong những năm gần đây, ở Việt Nam, Nhà nước đã ban hành các chính sách và cơ chế để thúc đẩy phát triển NLTT như chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế hỗ trợ giá mua điện sinh khối, mặt trời, gió cũng như gia tăng, bổ sung vào quy hoạch điện các dự án điện gió, điện mặt trời và chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn tới.

Theo dữ liệu thống kê, tính đến tháng 6 năm 2020, tổng công suất nguồn điện NLTT đã đi vào vận hành đạt khoảng 5.500MW, trong đó điện mặt trời áp mái đạt trên 31.750 dự án với tổng công suất là 657,88MWp.

NLTT hiện chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện và Việt Nam được biết đến như một quốc gia đang dẫn đầu về tăng trưởng NLTT trong khu vực ASEAN.

Bà Khanh cũng nhận thấy, đây là cơ hội tốt để đóng góp ý tưởng, đề xuất cho Quy hoạch điện VIII đang xây dựng hay đưa ra sáng kiến đế vượt qua các rào cản khó khăn trước mắt, hiến kế dài lâu, đột phá cho các chính sách phát triển năng lượng tái tạo và khí hậu, bảo vệ môi trường ở Việt Nam.