Nút thắt biết ơn và hy vọng cho năm mới ở Nhật Bản

Mai Nâu

(Dân trí) - Đối với người Nhật, mizuhiki là một phần không thể tách rời của lễ mừng năm mới. Nút thắt đặc biệt này mang theo hy vọng cho tương lai.

Kỹ thuật làm giấy đã ra đời tại châu Á từ thế kỷ thứ 7. Người Nhật đã tự phát triển một kỹ thuật giấy riêng biệt. Loại vật liệu khiêm tốn này đã ăn sâu vào từng khía cạnh của cuộc sống người dân Nhật, được minh chứng qua sự phổ biến dài lâu của shoji và fusuma - hai loại cửa trượt nhẹ và dễ sử dụng của xứ Phù Tang. Washi, loại giấy truyền thống của Nhật Bản, không chỉ có nhiều công dụng, mà còn liên quan tới những lời chúc tụng.

Từ thời xa xưa, dân cư quần đảo Nhật Bản đã tôn thờ cây cối và coi đó là nơi trú ngụ của các linh hồn thần thánh. Cây cối cũng là nguyên liệu làm ra giấy washi.

Vỏ cứng, dày, đen sậm của cây dâu tằm giấy được rửa sạch trong dòng nước trong cho tới khi các sợi gỗ cùng nhau tạo thành những trang giấy trắng. Công đoạn gian truân này được ví như một cách thanh lọc và từ đó giấy washi được coi là sở hữu sức mạnh chống lại các thế lực hắc ám. Giấy được bện xoắn thành những đoạn thừng, tạo nên đồ trang trí mizuhiki với ý nghĩa đặc biệt, đúc rút từ tinh hoa văn hóa, là biểu trưng cho lời chúc và nguyện cầu trong những buổi lễ.

Nút thắt biết ơn và hy vọng cho năm mới ở Nhật Bản - 1

Mẫu mizuhiki lấy cảm hứng từ tuyết đầu mùa ở Kanazawa. Ảnh: Kateigaho

Mẫu mizuhiki phía trên được đặt tên là "Hatsuyuki" (tuyết đầu mùa), đem lại cảm nhận về những trận tuyết dày và ẩm ướt rơi vào mùa đông ở Kanazawa. Cành khô và lá kim thường xanh của cây thông đỏ Nhật Bản thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa năm cũ và năm mới.

Còn mẫu mizuhiki dưới đây tạo hình vòng trắng mang theo lời nguyện cầu cho tương lai tốt đẹp trong năm mới và dải đỏ thể hiện mối liên kết giữa thiên đàng và trái đất. Màu trắng cũng có ý nghĩa mặt trời mọc lên vào buổi sáng và màu đỏ là khi mặt trời lặn. "Rin" (từ mang nhiều ý nghĩa như vòng tròn, nhân phẩm hay bình tĩnh) mang đến một hình tượng nghiêm khắc nhưng cũng rất đáng yêu trong cái không khí se lạnh của năm mới.

Nút thắt biết ơn và hy vọng cho năm mới ở Nhật Bản - 2

Mẫu mizuhiki mang ý nghĩa nguyện cầu cho tương lai tốt đẹp. Ảnh: Kateigaho

Đồ trang trí ngày Tết ở Nhật Bản được coi như nơi trú ngụ của thần linh với khả năng xóa bỏ tàn dư của năm cũ và thanh lọc không gian giúp chào đón thần linh trong năm mới. Mizuhiki được coi là ranh giới linh thiêng tách biệt với ác quỷ nên chúng được làm từ giấy washi trắng, tiêu biểu cho sự tinh khiết.

Đồ trang trí của năm mới thể hiện lòng biết ơn đối với năm cũ và hy vọng trong năm mới sắp tới. Tại Nhật, điều bất biến này đã được đưa vào những thiết kế giấy truyền thống hoa mỹ và là phong tục đẹp đáng để lưu giữ.