Novaland và loạt đại gia bất động sản "còng lưng" trả lãi vay

Mộc An

(Dân trí) - Trung bình mỗi ngày trong quý I/2023, Novaland phải trả 18,6 tỷ đồng tiền lãi vay. Tỷ lệ chi trả lãi vay so với doanh thu của nhiều doanh nghiệp tăng từ 5 đến 10 lần.

Mới đây, Bộ xây dựng công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý I với nhận định các doanh nghiệp ngành này vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Tương tự như báo cáo quý IV/2022, Bộ này chỉ ra lãi suất cho vay vẫn là một trong những khó khăn lớn với các doanh nghiệp ngành bất động sản. 

Với việc lãi suất tăng vào cuối năm ngoái, không ít doanh nghiệp bất động sản sử dụng mạnh đòn bẩy tài chính, ngoài áp lực trả nợ gốc vay thì còn gia tăng thêm gánh nặng trả lãi.

Không những vậy, thời gian qua, nhiều đơn vị bất động sản thực hiện tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh. Một trong những động thái rõ nhất là đẩy mạnh việc trả các khoản lãi vay. Gánh nặng này được thể hiện qua chi phí lãi vay đã trả các doanh nghiệp trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Trong quý I, Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) chi ra 2.972 tỷ đồng để trả lãi vay, lớn nhất trong số các doanh nghiệp bất động sản. Con số này tăng 84% so với cùng kỳ năm 2022.

Đứng thứ hai về chi trả lãi vay là Công ty cổ phần Tập đoàn địa ốc No Va (Novaland - mã: NVL) với mức 1.509 tỷ đồng, giảm nhẹ 10% so với năm trước đó.

Công ty cổ phần Vinhomes (mã: VHM) xếp thứ 3, với số tiền là 569 tỷ đồng, gấp đôi so với quý I năm 2022.

Đơn vị phải trả lãi ít nhất trong những ông lớn bất động sản là Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã: NLG) với mức 59 tỷ đồng. Tuy vậy con số này cũng đã gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Để dễ hình dung hơn, hãy thử chia tiền lãi này theo ngày. Trung bình mỗi ngày trong quý I/2022, Vingroup phải trả 33 tỷ đồng. Năm trước đó, con số này chỉ là 18 tỷ đồng.

Với Novaland, mỗi ngày trong quý vừa qua phải chi tới 18,6 tỷ đồng lãi vay, so với mức 16,8 của quý I năm ngoái và trung bình 12,3 tỷ đồng của cả năm 2022.

Ở chiều ngược lại, những doanh nghiệp ít sử dụng đòn bẩy như Nam Long, mỗi ngày bỏ ra 656 triệu đồng tiền lãi vay. Trong khi năm trước đó chỉ rơi vào cỡ 116 triệu đồng.

Nếu chỉ xét riêng số tiền trả lãi vay thì chưa phản ánh đủ được gánh nặng đối với doanh nghiệp. Ngoài ra việc so sánh con số này giữa các doanh nghiệp chưa đầy đủ do có sự khác nhau về quy mô. Do đó chúng ta cần xem xét tỷ lệ khoản tiền lãi so với doanh thu thuần. Hiểu đơn giản, tỷ trọng này sẽ cho biết doanh nghiệp phải bỏ ra bao nhiêu phần để trả lãi từ tiền thu về từ bán hàng hóa dịch vụ.

Novaland là đơn vị có tỷ lệ cao nhất với mức 250% trong quý vừa qua, tăng vọt so với mức 85% của năm trước đó. Doanh thu bán hàng giảm mạnh, đơn vị này còn phải xoay xở từ các nguồn khác để có tiền trả lãi.

Tỷ lệ lãi vay của Vingroup là 8%, giảm nhẹ so với con số 7% của năm trước đó.

Ngoài Novaland, một số doanh nghiệp khác có tỷ lệ trả lãi cao gồm Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR) là 80%, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex - mã: BCM) là 59%, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) là 51%.

Vinhomes là doanh nghiệp hiếm hoi trên thị trường với chi phí trả lãi vay thường xuyên duy trì tỷ lệ thấp chỉ từ 2-3%.

Thị trường lao dốc, doanh thu sụt giảm đồng thời chi phí lãi vay tăng cao kéo theo tỷ lệ chi trả lãi vay của nhiều doanh nghiệp tăng sốc từ 5-10 lần so với trước đây.