Nội thất cổ Nhật tìm cuộc sống mới trong nếp nhà hiện đại

(Dân trí) - Phục hồi đồ nội thất cổ và thêm những nét nghệ thuật của riêng mình để tạo ra những tác phẩm độc đáo là cách thức một công ty Nhật đã làm để giữ lại vẻ đẹp của văn hoá truyền thống xứ Phù tang.

Nội thất cổ Nhật tìm cuộc sống mới trong nếp nhà hiện đại - 1

Yes phục hồi đồ nội thất cổ của Nhật Bản và thêm những nét nghệ thuật của riêng mình để tạo ra những tác phẩm độc đáo. (Ảnh từ tài khoản Instagram của công ty)

Thành phố Takaoka nằm cách xa các đô thị rực rỡ như Tokyo và Osaka, có dân số dưới 200.000 người, nằm trên Biển Nhật Bản. Đây cũng là nơi may mắn đã thoát khỏi những trận bom lửa đã tàn phá phần lớn đất nước trong Thế chiến thứ II. May mắn này đã giúp cho thành phố giữ lại được một nguồn tài nguyên độc nhất vô nhị: những đồ nội thất có tuổi đời hàng thế kỷ còn nguyên vẹn, bám bụi nằm trong kho của nhiều ngôi nhà.

Một công ty nhỏ đã khai thác nguồn tài nguyên này để cung cấp đồ cổ đã được tân trang lại - hiện có sẵn trên thị trường - để tô điểm cho các ngôi nhà trên khắp đất nước với một khoản phí đăng ký.

Yes - được viết bằng ký tự tiếng Nhật có nghĩa là "ngôi nhà", hay ie - đã chuyển đổi một nhà kho truyền thống gần 100 năm tuổi ở thị trấn cảng Himi gần đó thành một phòng trưng bày hiện đại với những chiếc tủ độc đáo của Nhật Bản, ghế sofa kiểu phương Tây và các mặt hàng khác.

Trong số các đồ vật có một tủ trang điểm có hoa văn với các thiết kế hình học đầy màu sắc và một chiếc rương có tấm acrylic màu xanh lá mạ trong suốt được gắn ở phía sau để có một vẻ ngoài hiện đại.

Yes phục hồi và trang trí đồ nội thất cổ, sau đó bán cho các nhà hàng và các doanh nghiệp khác. Công ty khởi nghiệp đã bán được hơn 20 mặt hàng trong năm kể từ khi ra mắt. Nhưng nhu cầu từ các cửa hàng đã giảm trong bối cảnh đại dịch Covid -19, khiến công ty mở rộng kênh bán hàng cho người tiêu dùng cá nhân với dịch vụ cho thuê bắt đầu vào tháng Sáu.

Nội thất cổ Nhật tìm cuộc sống mới trong nếp nhà hiện đại - 2

Phòng trưng bày Yes ở Himi, một nhà kho đã được chuyển đổi, có nhiều loại đồ nội thất kiểu Nhật cao cấp. (Ảnh của Masashi Ijichi)

Hầu hết các mặt hàng có sẵn để mua tại Yes đều có giá từ 1.000 USD trở lên, với một số mặt hàng có giá lên tới 6.000 USD - quá đắt đối với việc mua hàng thông thường. Mô hình đăng ký cho phép người tiêu dùng thông thường tiếp cận những tác phẩm nghệ thuật này với mức phí hàng tháng thấp, bắt đầu từ hơn 20 USD, và tùy chọn trả lại hoặc mua chúng sau đó.

“Dịch vụ đang được sử dụng ngày càng phổ biến ở những khách hàng trong độ tuổi 30 ở các khu vực Tokyo và Osaka”, Chủ tịch Masanori Ito cho biết. “Những chiếc tủ xinh xắn đó không còn được sử dụng nữa khi những ngôi nhà có tủ đựng quần áo ngày càng phổ biến”, điều này đã làm nảy sinh ý tưởng kinh doanh hiệu quả.

Yes cũng đã khởi động một dự án được gọi là "Dự án Re-Bear" phục dựng những con gấu bằng gỗ chạm khắc - đồ thủ công truyền thống từ đảo Hokkaido phía bắc Nhật Bản. Loại đồ cổ này từng phổ biến trong các phòng khách của Nhật Bản nhưng đã bị mai một.

Nội thất cổ Nhật tìm cuộc sống mới trong nếp nhà hiện đại - 3

Ngoài đồ nội thất, Yes còn bán những chú gấu được chạm khắc truyền thống từ Hokkaido được vẽ với những hoa văn độc đáo. (Ảnh từ tài khoản Facebook của công ty)

Công ty làm việc với hơn 10 nghệ sĩ để sơn lại những con gấu với các họa tiết độc đáo. Giá khởi điểm khoảng 150 USD hoặc cao hơn. Những con gấu rất được khen ngợi về thiết kế, và có thể được tìm thấy trong những không gian như văn phòng chung WeWork ở quận Shibuya thời thượng của Tokyo.

Bước tiếp theo của Yes, sau đại dịch Covid-19, sẽ là đưa đồ đạc của mình ra nước ngoài. Công ty có kế hoạch tổ chức một triển lãm tủ và các mặt hàng khác ở London vào tháng 5 tới.

“Đồ nội thất kiểu này của Nhật Bản sẽ không bán được (ở trong nước). Chúng tôi muốn sử dụng nghệ thuật của mình để thâm nhập thị trường nước ngoài", Ito kỳ vọng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm