Những tập tục đón giao thừa đậm tính truyền thống tại Nhật Bản

Hoàng Linh

(Dân trí) - Du lịch Nhật Bản dịp năm mới là dịp để du khách hòa vào không gian lễ hội sôi động và tìm hiểu về văn hóa xứ Phù Tang qua những tập tục truyền thống.

Là đất nước hiện đại với nền kinh tế hàng đầu thế giới, người dân Nhật Bản vẫn lưu giữ nhiều tập tục truyền thống trong dịp năm mới, đặc biệt trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Ăn mỳ soba

Những tập tục đón giao thừa đậm tính truyền thống tại Nhật Bản - 1

Người Nhật có truyền thống ăn mỳ soba vào đêm giao thừa. Ảnh: Wattention

Người Nhật có truyền thống ăn mỳ soba vào đêm giao thừa. Vào dịp đặc biệt này, món ăn được gọi là toshikoshi soba.

Nhiều ý nghĩa ý vị ẩn sau tập tục ăn mỳ soba đêm giao thừa của người Nhật. Mỳ soba dễ cắn đứt nên được coi như cách loại bỏ những muộn phiền, không may của năm cũ. Sợi mỳ dài giúp chuyển tiếp từ năm cũ sang năm mới. Mỳ soba còn mang ý nghĩa cầu may mắn và sức khỏe, trường thọ.

Chuẩn bị cỗ osechi

Những tập tục đón giao thừa đậm tính truyền thống tại Nhật Bản - 2

Trong đêm giao thừa, người Nhật chuẩn bị trước cỗ osechi để dùng trong những ngày đầu năm. Ảnh: Wattention

Người Nhật kiêng nấu nướng trong 3 ngày đầu tiên của năm mới. Vì vây, trước hoặc vào đêm giao thừa, các gia đình Nhật Bản sẽ chuẩn bị cỗ osechi để dùng trong vài ngày tới. Mỗi món ăn trong cỗ osechi đều mang ý nghĩa biểu tượng, cầu sức khỏe, trường thọ, sinh sản, niềm vui và làm ăn phát đạt.

Chuẩn bị đồ trang trí nhà cửa

Những tập tục đón giao thừa đậm tính truyền thống tại Nhật Bản - 3

Kadomatsu - vật trang trí thường thấy tại các gia đình Nhật Bản dịp năm mới. Ảnh: Wattention

Sau khi dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, người Nhật bắt đầu trưng những món đồ trang trí để cầu may mắn trong năm mới. Món đồ trang trí đầu tiên là Kadomatsu - được làm từ ba thanh tre cắm giữa cành thông. Những măng tre tượng trưng cho trời, đất, người. Các vị thần năm mới sẽ ngự trên kadomatsu tới ngày 7/1. Sau đó, người Nhật sẽ mang món đồ cầu may này tới đền đốt trong nghi thức để tiễn các vị thần về trời.

Tiếp theo, người Nhật sẽ bày Kagami Mochi gần bàn thờ Shinto trong gia đình. Đây là đĩa đựng hai bánh gạo hình tròn đặt xếp chồng lên nhau, trên đỉnh là một quả quýt. Theo truyền thống, quả quýt tượng trưng cho may mắn, thịnh vượng đến với nhiều thế hệ trong gia đình.

Xem chương trình giải trí truyền hình

Chương trình Kohaku Uta Gassen đã trở thành một phần không thể thiếu trong thói quen đón năm mới của nhiều gia đình Nhật Bản. Đây là cuộc thi ca nhạc giữa hai đội gồm các nghệ sĩ nổi tiếng xứ Phù Tang. Được phát vào đêm giao thừa, chương trình là một trong những sự kiện âm nhạc hàng đầu Nhật Bản và đã trở thành chương trình truyền hình đón năm mới quen thuộc của nhiều gia đình.