Những nghi lễ thiêng ngày đầu năm mới ở xứ Phù Tang

Hoàng Linh

(Dân trí) - Năm mới thường là dịp các gia đình Nhật Bản quây quần bên nhau và cùng chào đón một năm sắp tới với những tập tục đậm tính truyền thống của dân tộc.

Những nghi lễ thiêng ngày đầu năm mới ở xứ Phù Tang - 1

Người Nhật có thói quen dậy sớm, đón bình minh đầu tiên trong năm. Ảnh: Rakuten

Được biết đến là đất nước mặt trời mọc, nhiều người Nhật vẫn giữ truyền thống thức dậy sớm và cầu nguyện khi mặt trời ló rạng từ chân mây trong ngày đầu năm để cầu xin may mắn. Truyền thống này có tên là Hatsuhinode. Mỗi dịp năm mới, người Nhật lại tìm những địa điểm đẹp để ngắm mặt trời mọc và bắt đầu năm mới trong khung cảnh hoành tráng của tự nhiên.

Ăn những món ăn truyền thống

Hai loại món ăn chính trong dịp năm mới tại Nhật Bản gồm osechi và zoni.

Những nghi lễ thiêng ngày đầu năm mới ở xứ Phù Tang - 2

Cỗ osechi. Ảnh: Rakuten

Lịch sử của cỗ osechi bắt nguồn từ thời Heian (795-1185). Người Nhật thời đó tin rằng việc nấu nướng trong ba ngày đầu năm là không may. Do đó, các món ăn dịp năm mới phải được chuẩn bị từ trước. Đó là nguồn gốc của tục lệ chuẩn bị cỗ osechi vào trước hoặc trong đêm giao thừa. Những món ăn có trong cỗ osechi mang ý nghĩa cầu mong sức khỏe, trường thọ, niềm vui, phát đạt.

Zoni gồm thành phần chính là bánh gạo, rau và các loại thịt cá. Các thành phần khác trong món súp được gia giảm tùy theo từng địa phương tại Nhật Bản.

Uống toso

Những nghi lễ thiêng ngày đầu năm mới ở xứ Phù Tang - 3

Người Nhật có thói quen uống rượu sake ngày đầu năm để cầu sức khỏe. Ảnh: Rakuten

Các gia đình ở miền tây Nhật Bản thường quây quần uống rượu sake vào sáng đầu năm mới. Loại rượu sake đặc biệt này có tên toso, gồm nhiều loại thảo dược. Uống toso vào ngày đầu năm mới được tin là giúp mang đi những điều không may ở năm cũ, hứa hẹn năm mới dồi dào sức khỏe.

Hatsumode

Những nghi lễ thiêng ngày đầu năm mới ở xứ Phù Tang - 4

Người Nhật có tập tục đi đền chùa ngày đầu năm. Ảnh: Rakuten

Người Nhật có truyền thống viếng thăm đền, chùa trong ba ngày đầu tiên của năm mới để cầu mong may mắn, bình an, sức khỏe, phát đạt, Chuyến đi thăm đền chùa đầu tiên trong năm được gọi là Hatsumode. Hình ảnh đám đông người dân tập trung cầu nguyện rất phổ biến tại các đền chùa Nhật Bản dịp đầu năm mới.

Xin bùa

Những nghi lễ thiêng ngày đầu năm mới ở xứ Phù Tang - 5

Những chiếc bùa được bán dịp năm mới tại Nhật. Ảnh: Rakuten

Những chiếc bùa, có tên omamori trong tiếng Nhật, thường được bán tại các đền, chùa dịp đầu năm. Mỗi loại omamori lại có tác dụng khác nhau, như để trừ tà, cầu tình duyên hay cầu sự nghiệp, cầu con cái… Tới cuối năm, người Nhật sẽ mang những chiếc bùa này tới đền chùa để đốt trong nghi thức của nhà chùa thay vì vứt chúng đi.

Trao và nhận lì xì (Otoshidama)

Những nghi lễ thiêng ngày đầu năm mới ở xứ Phù Tang - 6

Trẻ em Nhật Bản nhận được otoshidama đựng tiền mừng tuổi dịp năm mới. Ảnh: Rakuten

Trẻ em tại Nhật Bản sẽ nhận được tiền mừng tuổi dịp năm mới, đựng trong những chiếc bao lì xì có tên otoshidama. Các em thường nhận được otoshidama từ cha mẹ, họ hàng.

Tham gia những trò chơi truyền thống

Những nghi lễ thiêng ngày đầu năm mới ở xứ Phù Tang - 7

Trò chơi truyền thống hanetsuki dịp năm mới tại Nhật Bản. Ảnh: Rakuten

Một trong những trò chơi truyền thống phổ biến nhất dịp năm mới tại Nhật là hanetsuki, trò chơi tương tự môn cầu lông với những chiếc vợt gỗ được trang trí cầu kỳ. Một số trò chơi phổ biến khác gồm thả diều, chơi bài karuta. Một số gia đình Nhật Bản có truyền thống "khai bút" qua viết thư pháp hay đọc thơ ngày đầu năm mới.

Xem múa sư tử

Những nghi lễ thiêng ngày đầu năm mới ở xứ Phù Tang - 8

Múa sư tử dịp năm mới tại Nhật Bản. Ảnh: Rakuten

Múa sư tử có tên là shishimai và thường được biểu diễn ở các đền chùa, các địa điểm công cộng trên khắp Nhật Bản dịp năm mới. Một nghi thức thú vị trong các màn trình diễn shishimai là sư tử "ngọam yêu" vào đầu trẻ em. Đứa trẻ may mắn được sư tử cắn được cho là sẽ tránh khỏi bệnh tật, được mạnh khỏe trong suốt năm mới.