Những món đồ gốm sứ mang trên mình vết sẹo bằng vàng ròng
(Dân trí) - Qua việc hàn gắn những mảnh gốm vỡ, người Nhật thổi hồn và mang đến hành trình mới cho những món đồ gốm sứ - những thứ trở nên đẹp hơn khi mang trên mình những vết sẹo.
Người Nhật có kỹ thuật kintsugi độc đáo để hàn gắn và tăng thêm giá trị cho những vật dụng bằng gốm sứ bị vỡ, sứt mẻ. Người ta dùng những kim loại quý như vàng bạc ở dạng lỏng hay bột sơn mài trộn bột vàng để gắn những mảnh gốm vỡ. Từ kintsugi được ghép từ vàng (kin) và sửa chữa (tsugi). Từ đó, những vật dụng bằng gốm bị vỡ trở thành những kiệt tác nghệ thuật và được trưng bày với lòng tự hào.
Câu chuyện về kỹ thuật kintsugi bắt nguồn từ thế kỷ 15 khi tướng quân Ashikaga Yoshimasa làm vỡ tách trà mà ông vô cùng yêu thích. Tướng quân đã gửi tách trà tới Trung Quốc để sửa. Tuy nhiên, vào thời đó, các vật dụng bằng gốm bị vỡ thường được sửa với các kỹ thuật thô sơ và tách trà đã không thể sửa lại được. Tướng quân bèn giao nhiệm vụ này cho một nhóm thợ thủ công Nhật Bản. Nhóm thợ thủ công đã nảy ra ý tưởng hàn gắn những vết nứt vỡ của tách trà với sơn mài và bột vàng.
Nghệ thuật kintsugi biến những món đồ gốm vỡ thành những kiệt tác nghệ thuật độc nhất, bởi mỗi món đồ lại có những đường vân vàng lấp lánh khác nhau dựa trên những đường nứt vỡ riêng biệt. Mỗi tác phẩm gốm kintsugi lại có vẻ đẹp và kể những câu chuyện riêng về những vụn vỡ của từng đồ vật, giống như mỗi vết sẹo chúng ta mang lại kể câu chuyện về những thăng trầm trong cuộc sống mà bản thân đã trải qua.
Những món đồ gốm sau khi được gắn lại các mảnh vỡ với vàng và sơn mài đồng nghĩa với việc có một vòng đời mới, trở nên độc nhất, thể hiện cái đẹp của sự không hoàn hảo. Nghệ thuật kintsugi cho thấy những món đồ đã vỡ không phải để giấu đi, mà qua bàn tay khéo léo của bậc nghệ nhân, chúng sẽ mang vẻ đẹp độc nhất với những đường vân kim loại hàn gắn mỗi vết nứt gãy theo cách riêng biệt, không chiếc nào giống chiếc nào. Nhờ đó, đồ gốm vỡ sau khi được hàn gắn bởi kỹ thuật kintsugi không hề giảm giá trị mà được trưng bày với lòng tự hào.
Ngày nay, những người thợ thủ công Nhật Bản vẫn mất cả tháng để hàn gắn những đồ gốm cỡ lớn và cầu kỳ bằng kỹ thuật kintsugi, bởi phương pháp này gồm nhiều bước phức tạp và thời gian cần thiết để làm khô vật liệu.
Nghệ thuật kintsugi thể hiện triết lý Thiền tông Nhật Bản: coi trọng vẻ đẹp của những thứ giản đơn, cũ kỹ và của sự không hoàn hảo. Từ chuyện đồ gốm ngẫm tới con người, những chiếc bình gốm vỡ được gắn lại với những viền vàng nhắc nhở chúng ta về việc luôn giữ tinh thần lạc quan trong những thăng trầm của cuộc sống, về việc học hỏi từ những vấp ngã trong cuộc đời.
Những vết sẹo chúng ta mang trong cuộc đời góp phần khiến mỗi cá nhân trở thành một bản thể độc đáo và khác biệt. Mỗi vấp ngã sẽ khiến chúng ta trưởng thành và trở nên hoàn hảo, đẹp đẽ hơn trước.