Những mánh lới "rút ruột" trong hoàn thiện nội thất mà chủ nhà cần chú ý
(Dân trí) - Làm nội thất là khâu tốn kém nhiều chi phí khi hoàn thiện một căn nhà. Nếu không tìm hiểu kỹ, chủ nhà có thể mất một số tiền lớn mà nhận về chất lượng không tương xứng.
Anh Trần Huy Tiến (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc khi vừa biết được đơn vị anh thuê thiết kế và thi công đã "rút ruột" tại căn nhà anh mới hoàn thiện vào dịp Tết vừa rồi. Cụ thể, sau khi được đơn vị thiết kế báo giá gỗ công nghiệp của một công ty lớn có uy tín, anh đã đồng ý. Nhưng đến khi thi công, phía thiết kế lại sử dụng loại gỗ rẻ tiền nhất của công ty đó.
"Loại gỗ tôi chọn và trả tiền là gỗ công nghiệp MDF nhưng nhận được lại là MFC. Bản chất vẫn là gỗ của công ty đó nhưng loại gỗ MFC dễ mẻ hơn", anh Tiến nói và cho biết thêm anh chỉ biết sự thật khi một người bạn trong nghề đến chơi và phát hiện ra.
Tuy bị tráo hàng nhưng anh Tiến cho biết anh còn may mắn vì gỗ vẫn là loại cùng thương hiệu. Người bạn anh Tiến còn bị đánh tráo bằng một loại gỗ rẻ tiền khác.
Có kinh nghiệm trong ngành nội thất, anh Trần Văn Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết, những trường hợp như của anh Tiến xảy ra tương đối phổ biến.
Hiện nay trên thị trường, ván gỗ công nghiệp đa phần đều được nhập từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc... Mỗi nước lại có tiêu chuẩn riêng. Tại Việt Nam, loại ván gỗ MDF chống ẩm đang được dùng phổ biến có giá đắt hay rẻ sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như mật độ sợi gỗ, keo kết dính (keo xịn ít chất độc hại hơn - cụ thể là chỉ số formaldehyde thấp), khả năng chống ẩm tốt. Giá gỗ MDF chống ẩm phủ Melamine dao động khoảng 650.000 - 800.000 đồng/tấm, còn loại gỗ thông thường khoảng 380.000 - 450.000 đồng/tấm.
"Các đơn vị thi công có thể lợi dụng việc khách hàng chưa có nhiều hiểu biết về gỗ để đánh tráo. Thậm chí, người trong nghề cũng chưa chắc đã phát hiện được vì gỗ này phải sau một thời gian dài sử dụng mới rõ chất lượng. Nếu gỗ bở ra, chống ẩm kém và có dấu hiệu xệ xuống thì cần xem lại", anh Vũ cho biết.
Bỏ ra một số tiền lớn nhưng không ít chủ nhà đã bị qua mặt bởi chiêu trò này. Không những tiền mất, gỗ công nghiệp kém chất lượng còn có nồng độ formaldehyde cao - chất mà theo WHO nếu tiếp xúc nhiều, hàm lượng cao cũng sẽ có hại cho sức khỏe.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Lý (Đống Đa, Hà Nội), một tình trạng phổ biến trong thiết kế nội thất hiện nay là những đơn vị thi công thiếu uy tín thay thế phụ kiện tốt bằng đồ có hình dáng tương tự.
Ví dụ, các loại chân bàn sử dụng inox 304 sẽ cứng và chống gỉ tốt hơn inox 201. Việc mạ hai lớp trên inox cũng sẽ giúp sản phẩm đẹp và sang trọng hơn. Tuy nhiên, giá mạ hai lớp sẽ đắt gấp đôi so với mạ một lớp, đây cũng là những điểm để đơn vị thi công có thể "ăn bớt".
"Chủ nhà nên tìm các vật liệu tương tự để có sự so sánh. Với inox, gia chủ có thể sử dụng nam châm để phân biệt. Nam châm hút nhẹ bề mặt là inox 201, không hút là inox 304", chị Lý cho hay.
Theo kiến trúc sư này, với đồ nội thất, phải đến khi nhận về, khách hàng tinh ý mới có thể rõ chất lượng ra sao.
Ngoài ra, một số đơn vị mang thiết kế khi đến giới thiệu quảng bá thì mang sản phẩm của những người cứng nghề, lâu năm, nhưng khi thực hiện lại giao cho sinh viên hay thực tập làm. Sản phẩm sửa đi sửa lại nhưng kết quả vẫn không đạt, gây phiền phức cho gia chủ.
"Nhiều đơn vị thiết kế chung cư hiện nay đều miễn phí thiết kế nếu chủ nhà ký hợp đồng thi công. Nhưng thực tế, tiền thiết kế đã được tính trong hợp đồng thi công", kiến trúc sư Nguyễn Lý khẳng định và đưa lời khuyên, chủ nhà không nên ham thiết kế miễn phí vì tính thẩm mỹ không cao, công năng sử dụng cũng không tốt do không được nghiên cứu kỹ càng.
Nữ kiến trúc sư này chia sẻ thêm, gia chủ không có điều kiện thuê thiết kế nên tham khảo các phong cách nội thất trên các website của nước ngoài hoặc trang web của hội Kiến trúc sư Việt Nam. Ngoài ra, chủ nhà cũng nên trực tiếp mua tại các công ty nội thất uy tín để giảm chi phí và không bị tráo hàng.