Những loại mặt nạ truyền thống "độc - lạ" ở Nhật Bản

(Dân trí) - Từ xa xưa, xứ Phù Tang đã rất nổi tiếng với nhiều loại mặt nạ truyền thống và chúng đã trở thành một phần của lịch sử nước Nhật.

Qua phim ảnh, sách báo hoặc đã từng du lịch đến đất nước mặt trời mọc chắc hẳn ít nhất một lần bạn từng nhìn thấy những chiếc mặt nạ độc đáo có phần kỳ quái của người Nhật. Mặt nạ truyền thống của Nhật Bản chủ yếu sử dụng cho các sự kiện sân khấu hoặc để trang trí. Chúng được bày bán tại các lễ hội và sự kiện của đền chùa.

Dưới đây là những loại mặt nạ truyền thống tiêu biểu trong văn hóa của người Nhật.

Những loại mặt nạ truyền thống độc - lạ ở Nhật Bản - 1

Mặt nạ oni: Oni là một loài quỷ hoặc yêu tinh trong nền văn hóa truyền thống Nhật Bản. Chúng có hàm răng dài sắc nhọn và khuôn mặt đỏ với biểu cảm vô cùng hung ác. Mặt nạ oni phổ biến nhất trong lễ hội ném đậu Setsubun. Người dân đeo chúng để biểu diễn trong lễ hội tại các đền thờ. Ở nhà các ông bố bà mẹ sẽ đeo mặt nạ và dọa những đứa trẻ để chúng sợ hãi ném đậu để xua đuổi oni. Người Nhật quan niệm rằng làm như vậy yêu tinh sẽ không bám theo những đứa trẻ và dạy chúng làm điều xấu. Nguồn ảnh: GaijinPot Blog

Những loại mặt nạ truyền thống độc - lạ ở Nhật Bản - 2
Mặt nạ tengu: Tengu là những á thần bảo vệ núi có vẻ ngoài khá giống quỷ với khuôn mặt đỏ bừng và biểu cảm giận dữ. Nhưng đặc điểm rõ ràng nhất của chúng là chiếc mũi dài và đỏ. Trong truyền thuyết tengu vốn là chim, khi trở thành con người chiếc mỏ biến thành mũi nhưng vẫn giữ hình dạng dài. Mặt nạ tengu được sử dụng cho các vở kịch sân khấu noh và các lễ hội thần đạo Shinto. Chúng cũng thường được dùng để trang trí vì tengu được cho là có tác dụng xua đuổi linh hồn xấu và mang lại may mắn. Nguồn ảnh: Flickr
Những loại mặt nạ truyền thống độc - lạ ở Nhật Bản - 3
Mặt nạ kitsune: Còn được gọi là mặt nạ cáo và thường được đeo trong một số lễ hội thần đạo để mua vui. Trong quan niệm của người Nhật, cáo được xem như những sinh vật huyền bí với khả năng biến hình siêu đẳng. Chúng cũng được coi là sứ giả của Inari, vị thần lúa gạo và thịnh vượng. Do đó, mặt nạ kitsune đóng vai trò quan trọng trong một số lễ hội liên quan đến vị thần này. Nguồn ảnh: The Culture Trip
Những loại mặt nạ truyền thống độc - lạ ở Nhật Bản - 4
Mặt nạ hyottoko: Hyottoko là một nhân vật huyền thoại ở Nhật Bản, được miêu tả là người có gương mặt "ai nhìn cũng phải cười". Có rất nhiều giai thoại về hyottoko, trong đó phổ biến nhất là kể về một cậu bé có tên Hyottoko chuyên dùng một ống tre để thổi lửa trong bếp. Cậu chính là thần lửa sau này và tượng trưng cho sự thịnh vượng. Chính vì vậy mặt nạ hyottoko thường có khuôn miệng tròn và lệch về một bên, chúng thường được sử dụng khi nhảy múa trong các lễ hội để mua vui. Nguồn ảnh: The Culture Trip
Những loại mặt nạ truyền thống độc - lạ ở Nhật Bản - 5
Mặt nạ okame/otafuku: Okame còn được gọi là otakufu được biết đến như phiên bản nữ của hyottoko. Cả hai đều có khuôn mặt gây cười và thường xuất hiện cùng nhau như một cặp. Okame được xem là nữ thần đem lại vận may cho con người. Người ta thường trưng bày những chiếc mặt nạ okame để tăng thêm phần sinh động trong các lễ hội. Nguồn ảnh: Flickr
Những loại mặt nạ truyền thống độc - lạ ở Nhật Bản - 6
Mặt nạ noh: Noh là một trong những hình thức nghệ thuật biểu diễn cổ điển nổi tiếng của Nhật Bản. Trong kịch noh, diễn viên không trang điểm mà sử dụng một loại mặt nạ được làm rất công phu. Những chiếc mặt nạ này được nhìn nhận như những vật thể tuyệt đẹp và là phương tiện biểu cảm tuyệt vời. Nguồn ảnh: Matcha
Những loại mặt nạ truyền thống độc - lạ ở Nhật Bản - 7
Mặt nạ men-yoroi: Đây là những chiếc mặt nạ bọc thép được các chiến binh samurai đeo. Chúng được trang trí cầu kỳ, có thể tùy chỉnh theo sở thích và cá tính của chủ nhân. Có hai loại men-yoroi, trong đó somen dùng để che toàn bộ khuôn mặt với khả năng bảo vệ tối đa còn menpo chỉ che một phần. Ngày nay, hầu hết men-yoroi được trưng bày trong viện bảo tàng. Nguồn ảnh: The Culture Trip

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm