“Nhỏ giọt” nguồn cung nhà ở xã hội tại TP.HCM

Nhu cầu nhà ở xã hội tại TP.HCM rất lớn, nhưng nguồn cung nhỏ giọt do còn nhiều nút thắt trong xây dựng cơ chế, chính sách với loại sản phẩm này.

“Nhỏ giọt” nguồn cung nhà ở xã hội tại TP.HCM - 1

Việc xây dựng nhà ở xã hội mang lại lợi nhuận không cao, nên các nhà đầu tư không mặn mà.

Chậm thủ tục, chủ đầu tư thiếu mặn mà

Dự án Nhà ở xã hội của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Chương Dương tại quận Thủ Đức (TP.HCM) đã hoàn thành sau hơn 1 năm xây dựng. Ngay sau đó, gần 1.000 căn hộ tại Dự án đã được bán hết, thậm chí “cháy hàng”. Ông Văn Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Chương Dương cho biết, đây là dự án nhà ở xã hội hiếm hoi được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn, nhưng nguồn cung chung cư gần hết.

Lý do của việc nguồn cung nhà ở xã hội còn ít, theo ông Hoàng, là dự án mới bị hạn chế phê duyệt tại các quận trung tâm, còn dự án ở ngoại thành bị chậm quyết. Mặt khác, việc xây dựng nhà ở xã hội mang lại lợi nhuận không cao, nên các nhà đầu tư cũng không mặn mà.

“Dù bỏ tiền túi để xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhưng đơn vị gặp vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, nghiệm thu dự án để làm sổ hồng. Chúng tôi mong muốn UBND Thành phố, các sở, ban, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt với các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, để chủ đầu tư có thể đẩy nhanh tiến độ bàn giao nhà và làm sổ hồng cho người dân”, ông Hoàng nói.

Là một trong những doanh nghiệp chuyên “bỏ tiền riêng” xây dựng nhà ở xã hội, Công ty TNHH Bất động sản Lê Thành cũng đang gặp không ít vướng mắc về thủ tục hành chính. Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cho hay, Lê Thành đã nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (huyện Bình Chánh) tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM từ tháng 3/2019, nhưng hơn 1 năm sau mới được mang ra giải quyết.

Theo quy hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020, khu đất Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên được ưu tiên để phát triển nhà ở xã hội. Vướng mắc là theo Quyết định số 4956/QĐ-UBND ngày 11/9/2013 của UBND TP.HCM về duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm và dân cư khu vực phía Tây Thành phố, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, thì chỉ tiêu quy hoạch của khu đất có tầng cao 15 tầng, mật độ xây dựng 30%, nhưng hệ số sử dụng chỉ là 2.

“Hệ số sử dụng đất này dành cho khu nhà thấp tầng, do đó không phù hợp với khu đất được quy hoạch là nhà cao tầng. Nếu lấy tầng cao là 15 tầng nhân với mật độ xây dựng là 30% thì hệ số sử dụng đất phải là 4,5”, ông Nghĩa nói.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Địa ốc Chợ Lớn đang chật vật trong việc xin thủ tục làm dự án nhà ở xã hội nhiều năm nay. Cụ thể, UBND TP.HCM đã có Văn bản 6465/UBND-ĐT ngày 17/10/2017 về phương thức thực hiện Dự án chung cư B Khu nhà ở Bùi Minh Trực III (phường 5, quận 8), với nội dung là chấp thuận cho Công ty cổ phần Địa ốc Chợ Lớn tự ứng vốn đầu tư xây dựng 1 đơn nguyên làm nhà ở xã hội trên phần đất chiếm 20% đất ở dự án theo quy định và bàn giao cho Thành phố.

Dự án này được Chợ Lớn thực hiện từ năm 2008, với 3 đơn nguyên, trong đó 1 đơn nguyên xây dựng nhà ở xã hội. Việc điều chỉnh tăng chiều cao công trình, số lượng căn hộ được cho là lý do mà dự án này chưa thể triển khai vì chưa được Sở Quy hoạch và Kiến trúc phê duyệt.

Còn nhiều nút thắt

Tại TP.HCM, ngoài các công ty Chương Dương, Lê Thành hay Chợ Lớn, đã có nhiều doanh nghiệp hoặc cá nhân tích cực tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn của mình, như Nam Long, Đầu tư Thủ Thiêm, Thuận Kiều, Vạn Thái, Thiên Phát, Sài Gòn Res, Hoàng Quân, Phú Cường, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn...

Tuy nhiên, do các doanh nghiệp tư nhân phải tự bỏ vốn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thực hiện dự án nhà ở xã hội, mà không có sự hỗ trợ từ nguồn tín dụng ưu đãi, nên kết quả còn hạn chế. Các đơn vị phải vay tín dụng với lãi suất thương mại, nên giá thành nhà ở xã hội tăng cao. Không ít người thuê mua nhà ở xã hội phải vay ngân hàng với lãi suất thương mại để mua nhà, nên gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, chính sách về nhà ở xã hội còn nhiều bất cập. Điểm nghẽn lớn nhất là Nhà nước gần như chưa bố trí được nguồn ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Theo ông Nghĩa, với các quy định hiện hành, nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, nhưng giấy giao đất lẽ ra nên ghi rõ “doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất”, lại ghi “doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có)”.

“Chỉ vì câu này mà doanh nghiệp làm nhà ở xã hội không được miễn tiền sử dụng đất, phải làm hồ sơ để được miễn tiền sử dụng đất và bị kéo dài 3 - 4 năm”, ông Nghĩa nói.