Nhiều ông lớn bất động sản vẫn "bán giấy lấy tiền" với lãi suất chót vót

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Lãi suất trái phiếu bình quân năm giảm ở mọi nhóm song một số doanh nghiệp bất động sản vẫn phát hành trái phiếu lãi suất cao nhất thị trường, tới 12-13%/năm.

Nhiều ông lớn bất động sản vẫn bán giấy lấy tiền với lãi suất chót vót - 1

Nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản ngày càng tăng do khó tiếp cận tín dụng ngân hàng hơn (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo báo cáo của bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố, doanh nghiệp phát hành tổng cộng hơn 722.700 tỷ đồng trong cả năm 2021, tăng 56% so với năm 2020. Số trái phiếu phát hành ròng, tương ứng lượng phát hành trừ đi lượng đáo hạn và mua lại trước hạn, ước tính là 438.000 tỷ đồng, tăng 63%.

Các doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm phát hành nhiều nhất, tổng cộng 318.200 tỷ đồng trong năm 2021 - chiếm 44% tổng lượng trái phiếu phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020.

Kỳ hạn bình quân của trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2021 giảm xuống 3,86 năm từ mức trung bình 4,23 năm của 2020 chủ yếu là do trái phiếu của nhóm ngân hàng và bất động sản đều có kỳ hạn bình quân ngắn hơn lần lượt là 0,5 năm và 0,3 năm về mức là 4,2 năm và 3,6 năm.

Trái phiếu bất động sản vẫn là nhóm có lãi suất hấp dẫn nhất thị trường. Cụ thể, lãi suất trái phiếu bình quân năm giảm ở tất cả các nhóm, mức giảm lớn nhất ở nhóm ngân hàng (từ 6,34% năm 2020 xuống 4,31% năm 2021). Trong khi đó, nhóm trái phiếu bất động sản có lãi suất duy trì ở mức cao trong cả 3 năm gần đây (10,3-10,6%), trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm thấp thì mức giảm của trái phiếu bất động sản vẫn nhỏ nhất, SSI cho biết.

Theo đơn vị này, có một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lãi suất cao nhất thị trường (12-13%/năm) như Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Công ty CP Hoàng Phú Vương, Công ty CP Osaka Garden, Công ty CP Galactic Group, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Unity…

Chuyên gia công ty chứng khoán trên cho biết, nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản ngày càng tăng do khó tiếp cận tín dụng ngân hàng hơn.

Số lượng các doanh nghiệp bất động sản phát hành tăng từ 141 doanh nghiệp năm 2020 lên 193 doanh nghiệp trong năm 2021. Do vậy, để hấp dẫn nhà đầu tư khi mà chất lượng tài sản đảm bảo không cao, nhóm này phải duy trì lãi suất phát hành tốt hơn các nhóm khác.

Vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã "nóng" lên với nhiều thông tin quan trọng. Cụ thể, , Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, đặc biệt là việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…

Trong các giải pháp đưa ra nhằm ổn định thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các bộ ngành liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản luôn phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cả nền kinh tế.

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc siết chặt, kiểm soát là cần thiết, tránh sự phát triển ồ ạt, tạo rủi ro. Theo ông, ở Việt Nam, do chưa có hệ thống xếp hạng tín nhiệm nên doanh nghiệp phát hành một cách "tự phát". Theo đó, có những doanh nghiệp thuộc loại khá - tốt, có tài sản đảm bảo nhưng cũng có nhiều bên không có tài sản đảm bảo rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.