Nhiều "ông lớn" bất động sản đổ bộ vào Hải Phòng, chờ bứt phá từ quy hoạch
(Dân trí) - Trong bối cảnh trầm lắng chung, thị trường bất động sản Hải Phòng vẫn có những điểm sáng, trong đó là việc hiện thực hóa quy hoạch thành phố Hải Phòng hứa hẹn sẽ kéo theo làn sóng đầu tư mạnh mẽ.
Bất động sản giảm giá sau "sốt" ảo
Phát biểu tại Hội thảo "Hiện thực hóa quy hoạch thành phố Hải Phòng, bứt phá thị trường bất động sản" sáng 11/8, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho biết giai đoạn 2020-2023, nhiều "ông lớn" bất động sản đã đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng vào thị trường Hải Phòng như: Vingroup, Hoàng Huy, Him Lam, Geleximco...
Cũng theo ông Đính, từ đầu quý II, thị trường bất động sản Hải Phòng đã có nhiều tín hiệu khởi sắc rõ nét hơn, lượng giao dịch ghi nhận thành công ngày càng nhiều với mức giá tăng 5-10% so với quý I. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm nay, Hải Phòng đứng đầu về lượng dự án nhà ở xã hội khởi công.
Còn theo ông Nguyễn Quang Văn - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng, lượng giao dịch trên thị trường bất động sản Hải Phòng 6 tháng đầu năm giảm nhiều.
Giá bất động sản trung bình giảm 20-25%, có những nơi giảm tới 40-50%. Nguồn cung không nhiều, hầu như không có dự án mới ra hàng, các nguồn đấu giá đất tỷ lệ thành công ít. Tâm lý thị trường từ hoang mang đến ổn định hơn.
Trong quý I năm nay, giao dịch mua đầu tư ít do tâm lý hoang mang và chờ đợi diễn biến của thị trường. Tại vùng ven thị trường "đóng băng", hầu như không có giao dịch, tính thanh khoản kém.
Đơn cử, đối với đất nền tái định cư, đất phân lô khu vực quận trung tâm và 1 số khu vực phát triển kinh tế trọng điểm như Hồng Bàng, Lê Chân, Hải An, Thủy Nguyên, An Dương... giá đất giảm từ 15-20 triệu đồng/m2, tương đương 20-25% so với quý I/2022.
Tương tự, đối với đất nền thổ cư trong dân cũng giảm chung theo thị trường, giao dịch giảm nhiều vì người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn tại các khu phân lô giá hợp lý, giao thông cơ sở hạ tầng đồng bộ... Giá bất động sản tại khu vực trung tâm dao động khoảng 35-40 triệu đồng/m2, tại khu vực vùng ven khoảng 8-15 triệu đồng/m2.
Từ quý II năm nay, Chính phủ kiểm soát tốt lạm phát, có nhiều giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Văn, với nhiều yếu tố tích cực nhưng toàn thị trường giá vẫn giảm nhẹ, giao dịch không tăng nhiều do các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được với gói hỗ trợ. Khách hàng chủ yếu là mua tiêu dùng nên lượng cầu thấp, các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý nghe ngóng chờ đợi thị trường.
Ngôi sao hy vọng chính là các đô thị vệ tinh
Ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - đánh giá, việc quy hoạch đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh sẽ góp phần tạo ra không gian phát triển mới cho thị trường bất động sản cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng sản phẩm nhà ở, đặc biệt là nhà ở sinh thái và nhà ở xã hội.
Theo ông Văn, giá đất thấp tại các khu vực đô thị vệ tinh là điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường nhà ở xã hội, điều mà các khu vực nội đô đã không còn đáp ứng được. Việc các đô thị vệ tinh được quy hoạch mới và đầu tư đồng bộ với khu vực trung tâm chắc chắn sẽ tạo ra lợi thế lớn để thu hút cư dân đến sinh sống và làm việc.
"Việc hình thành các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, Quy hoạch chung thành phố cũng đã xác định quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố với quy mô khoảng trên 400ha", ông Văn nói và khẳng định, đây là một đòn bẩy phát triển thị trường bất động sản nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng sẽ có thêm thành phố Thủy Nguyên, các đô thị cảng biển, đô thị sân bay, tương lai thành phố sẽ đón nhận nhiều dự án quy mô lớn, hứa hẹn sẽ kéo theo làn sóng đầu tư mạnh mẽ.
Tại hội thảo này, TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy Ban kinh tế Quốc hội - cho rằng, Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quyết định điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đã mở đường để Hải Phòng tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, quy hoạch.
Theo ông, nhìn vào bản quy hoạch chúng ta có được niềm tin, hiện thực hóa khát vọng cho thành phố trong tương lai. Hải Phòng phải trở thành thành phố tốp đầu các nước trong khu vực, đồng thời đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cả hai tầm nhìn này là khát vọng, cũng là thách thức của thành phố trong tương lai.
Ủy viên Ủy Ban kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, việc phát triển mô hình đa trung tâm và nhiều vệ tinh sẽ giúp Hải Phòng khắc phục được những điểm yếu hiện nay ở hai thành phố dẫn đầu đất nước là Hà Nội và TPHCM. "Ngôi sao hi vọng chính là các đô thị vệ tinh", ông Lộc nhấn mạnh.
Về quy hoạch, theo ông Lộc, khái niệm thành phố xanh, thành phố thông minh được nhắc đến nhiều, nhưng cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thành phố Hải Phòng nhân văn, văn minh, yếu tố đó phải được đặt lên hàng đầu.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhưng mới chỉ là kết quả bước đầu.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch đã đề ra, thành phố tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để đưa Hải Phòng phát triển xứng tầm khu vực và cả nước.