Nhân viên kinh doanh đa cấp lao vào "cơn sốt đất" làm môi giới

Cơn "sốt đất" lần này có yếu tố "đóng góp" của những nhà môi giới mới, trong đó có nhóm người là nhân viên bán hàng đa cấp, bảo hiểm… và cả người bán nước đầu ngõ.

"Sốt đất", nhân viên kinh doanh đa cấp… thành môi giới

Hiện tượng "sốt đất" đã xảy ra ở nhiều địa phương. Theo lý giải của nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước, nguyên nhân sốt đất là do thông tin về quy hoạch; lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, chứng khoán; nguồn cung bất động sản khan hiếm…

Đáng chú ý, có nguyên nhân mang tính tiêu cực, đó là yếu tố đầu cơ; những người môi giới hoạt động thiếu chuyên nghiệp vì trục lợi bất chính đã gây nhiễu thông tin... nhằm thổi giá đất lên cao kiếm lời.

Nhân viên kinh doanh đa cấp lao vào cơn sốt đất làm môi giới - 1

Hoạt động môi giới bất động sản diễn ra thiếu kiểm soát ở nhiều nơi (Ảnh minh họa).

Chia sẻ tình hình giao dịch bất động sản thời gian qua tại Tọa đàm "Giải mã cơn sốt đất" mới diễn ra, ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Bắc cho biết, trong quý I/2021, doanh nghiệp thực hiện hơn 2.000 giao dịch, trong đó có 60% là giao dịch chung cư, 40% là giao dịch thổ cư. Giao dịch thực tế của công ty khiêm tốn so với cơn sốt "nóng" ngoài thị trường.

Nhìn nhận về cơn "sốt đất" thời gian qua dưới góc độ doanh nghiệp phân phối, phát triển dự án bất động sản chuyên nghiệp, ông Nghĩa cho rằng, cơ sốt này có yếu tố đóng góp của những nhà môi giới mới.

Đầu tiên, đó là những nhóm người di chuyển việc từ kinh doanh đa cấp, ngân hàng, bảo hiểm… sang làm môi giới bất động sản. "Những nhóm này thường có lượng nhân viên không cao, không đóng thuế, họ hoạt động không chính thức. Mặc dù các bộ dạng nhận diện thương hiệu, chiếm lượng truyền thông của họ rất tinh vi… kể nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng không thể "thoát" họ được", ông Nghĩa chia sẻ.

Tiếp đó, những người bán nước đầu ngõ cũng trở thành môi giới bất động sản. Những người này thường có nhiều thời gian, nhưng thông tin đưa ra không được kiểm chứng, không phải chịu trách nhiệm…

"Hai nhóm trên khác với những nhóm những người thực sự muốn cam kết, đồng hành với nghề môi giới bất động sản lâu dài và giá trị cốt lõi là đạo đức, nghề nghiệp thì chỉ đo được bằng thời gian", ông Nghĩa nói.

Trước đó, liên quan tới hoạt động đầu cơ gây "sốt đất" ảo, UBND TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố đã có một số người môi giới đầu tư bất động sản mua đi bán lại các ô đất trong quy hoạch dân cư thuộc các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố. Đây là hoạt động "làm thị trường" của các nhóm đầu cơ có tổ chức, có kịch bản đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.

UBND TP Hạ Long chỉ rõ, các đối tượng đầu cơ này đã âm thầm chuẩn bị mua đất tại các dự án trên từ trước với mức giá rẻ, sau đó lợi dụng thông tin về quy hoạch phát triển đô thị đã bằng mọi cách tung ra thị trường các tin gây "sốt" để đẩy giá đất tăng cao trong thời gian ngắn nhằm tạo "sóng ảo" về nhu cầu khiến giới đầu tư và người dân thấy bất động sản khu vực này đang giao dịch rất sôi động. Nhưng thực chất là các hoạt động mua đi bán lại với nhau trong chính các nhóm môi giới đang thao túng thị trường tạo ra các giao dịch "mồi" để dụ khách hàng.

"Khi người dân đầu tư mua hết các giao dịch hoạt động tạo sốt đất ảo sẽ chấm dứt, giá đất sẽ đứng ở mức cao hoặc giảm sâu khiến người đầu tư không kịp thoát ra khỏi cơn sốt đất và bị mắc kẹt", văn bản của UBND TP Hạ Long nêu.

Hình sự hóa hành vi "thổi giá" bất động sản

Theo luật sư Trần Thanh Quyết, hệ lụy của cơn sốt đất rất lớn, nguồn vốn đầu tư bằng vốn nhàn rỗi trên thực tế rất ít trong khi chủ yếu là nguồn vốn đi vay dẫn đến tình trạng nợ xấu, mất thanh khoản của nhà đầu tư khi đầu tư vào một thị trường không minh bạch, dựa trên tin đồn và thiếu cơ sở pháp lý.

Trong khi đó, dưới góc độ pháp lý, khi xảy ra các sự kiện pháp lý phát sinh do cơn sốt đất mang lại các tranh chấp đất đai tăng mạnh, nguồn lực của hệ thống tư pháp để giải quyết rất lớn, kéo theo nhiều hệ lụy về pháp lý đối với không chỉ nhà đầu tư mà còn lãng phí nguồn lực của toàn xã hội.

"Việc tạo ra các mặt bằng giá mới không đúng với giá trị thực dẫn đến biến dạng thị trưởng và người mua bán cuối cùng trong cơn sốt đất chịu toàn bộ rủi ro", Luật sư Quyết nói.

Nhân viên kinh doanh đa cấp lao vào cơn sốt đất làm môi giới - 2

Theo giới luật sư, cần xem xét bổ sung hình sự tội "thổi giá" bất động sản (Ảnh minh họa).

Nói về các phương án ngăn chặn tình trạng sốt đất, luật sư Trần Thanh Quyết (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Cần xem xét bổ sung vào Bộ luật hình sự hiện hành quy định về hình sự tội "thổi giá đất".

Theo luật sư Quyết, quy định về tội đầu cơ (Điều 196) hiện nay không còn phù hợp để điều chỉnh những phát vấn đề phát sinh trên thực tế như tình trạng sốt đất hiện nay. Đồng thời, bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện hành nghề môi giới bất động sản.

Từng chia sẻ về vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, những hành vi thổi giá lên cao thu lợi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng rõ ràng là hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới quá trình quản lý thị trường bất động sản, xâm phạm tới lợi ích của người dân.

"Rõ ràng đây là hành vi phạm tội, phải đưa vào chế tài hình sự, tức là hình sự hóa hành vi này. Việc chỉ ra, nhận biết được hành vi nguy hiểm cho xã hội thì cần phải đưa vào Bộ luật Hình sự ngay để đảm bảo tính kịp thời, điều chỉnh các mối quan hệ bất bình thường trong xã hội. Đây là điều chúng ta nên làm ngay, làm sớm để không phải thấy những tình cảnh đau lòng như trên. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được đời sống và quyền lợi của người dân", luật sư Tú nhấn mạnh.