1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Cò đất "bay" đi, nhà đầu cơ ôm hận chọn mất cọc vài tỷ đồng hoặc lỗ khủng

(Dân trí) - Ôm nợ vì lướt sóng đất quanh khu sân bay Técníc; Các "cơn sốt" đất bùng lên, có một mạng lưới cò mồi kích giá dựng đứng... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Ôm nợ vì ăn theo sân bay Técníc

Sau gần 10 ngày giá đất tăng chóng mặt gây náo loạn vùng quê Bình Phước, "bong bóng" bất động sản ăn theo sân bay Técníc gần như đã xì hơi, không còn cảnh mua bán đất đông vui như "trẩy hội". Người dân thôn quê đã trở lại nhịp sống thường ngày. Không ít trường hợp đã phải ôm nợ vì lướt sóng bất thành.

Cò đất bay đi, nhà đầu cơ ôm hận chọn mất cọc vài tỷ đồng hoặc lỗ khủng - 1
Biển mua bán đất được dựng lên trên tuyến đường liên xã An Khương - Tân Lợi, huyện Hớn Quản trước đó vài ngày.

Trước đó vài ngày, mỗi mảnh đất ở các xã An Khương và Tân Lợi (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) được cò rao bán với giá 350 triệu đồng cho 1m ngang mà không ít người vẫn mua. Hiện tại, giá giảm còn 200 triệu đồng nhưng vẫn "ế". Những nơi từng có cảnh mua bán đất đông như trẩy hội đến nay lại vắng hoe, chỉ lác đác vài cò đất địa phương ngồi chờ khách. 

Có trường hợp ôm một miếng đất giá 23 tỷ đồng nhưng có nguy cơ mất trắng. Hiện nhà đầu cơ ban đầu vẫn chưa tìm được người để bán ra sang tay. Theo giá trị thực, lô đất trên chỉ có giá khoảng hơn 2 tỷ đồng. Nếu vẫn quyết tâm mua thì xem như nhóm nhà đầu tư trên bị lỗ 21 tỷ đồng, còn bỏ cọc thì mất 4 tỷ đồng.

Cò đất bay đi, nhà đầu cơ ôm hận chọn mất cọc vài tỷ đồng hoặc lỗ khủng - 2

Nhiều người ôm nợ sau cơn "sốt đất ảo" quanh khu sân bay Técníc.

Cơn sốt đất ở xã An Khương, Tân Lợi và vùng ven thuộc huyện Hớn Quản đã lắng xuống khi có khuyến cáo từ chính quyền địa phương và các cơ quan báo chí.

Theo đại diện UBND xã An Khương, đến nay, hầu hết cò đất đã đi. Chỉ một số nhóm nhỏ vẫn tiếp tục ở lại tìm cơ hội. Tình hình "sốt" đất ở khu vực này cũng không còn do nhu cầu không có thật và cũng không có thông tin quy hoạch sân bay. Do đó, giá đất không có lý do để tăng.

"Hiện tại chưa thể thống kê được các giao dịch, bởi nếu có mua bán thật thì sau 30 ngày các bên ra công chứng mới biết được. Tuy nhiên, theo ghi nhận của cơ quan chức năng, giá đất tăng và các giao dịch đều do 'cò' thổi lên. Thực tế có rất ít giao dịch thật. Nếu có chỉ là đặt cọc rồi bẻ cọc qua lại, gây thiệt hại cho những người mua kém hiểu biết, chỉ có 'cò đất' hưởng lợi", lãnh đạo xã An Khương thông tin.

 Có một mạng lưới cò mồi "kích giá dựng đứng"

 Trao đổi với PV Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết, có một nhóm môi giới, cò đất chuyên "vin" vào cái cớ mơ hồ như có quy hoạch làm dự án, làm sân bay... mà hầu hết chỉ là thông tin "nghe hơi nồi chõ".

Sau đó nhóm này tung hứng với nhau, tự thổi giá, tạo sự xôn xao, lan truyền thông tin về sốt đất để lôi kéo những người muốn đầu tư tìm về.

Cò đất bay đi, nhà đầu cơ ôm hận chọn mất cọc vài tỷ đồng hoặc lỗ khủng - 3

Việc tạo sốt ảo về bản chất chỉ làm lợi cho nhóm cò mồi, còn người mua càng về sau càng thua thiệt khi phải chịu giá quá cao, vượt xa giá trị thực của tài sản.

Nhóm ấy không đơn lẻ, họ tạo thành một mạng lưới, có thể điều chỉnh thời gian đến khi vỡ bong bóng. Họ kích giá lên rồi nhảy ra, khiến thị trường sụt xuống sau đó. Kiểu này xuất hiện ở nhiều nơi với những dạng thức khác nhau, len lỏi vào các xóm làng.

Bất động sản từng gặp "ác mộng" rớt giá thảm, năm 2021 lịch sử có lặp lại?

Sang năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, cùng với các ngành kinh tế trọng điểm khác, đầu tư bất động sản cũng là lĩnh vực được dự đoán gặp nhiều khó khăn.

Theo TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam, thị trường được dự đoán sẽ không chứng kiến một sự suy sụp và giảm giá đáng kể như năm 2010 và 2011.

"Vào năm 2010 và 2011, thị trường đã chứng kiến việc rớt giá đến 30% trong cả nước, có thể kể đến một số lí do quan trọng như: thị trường đã tăng trưởng quá nóng trước đó, kế tiếp là tăng trưởng trong tín dụng quá nóng từ 30-45%, cộng với việc tăng trưởng trong lãi suất qua đêm từ 10-12% lên tới hơn 20%", ông Khương nói.

Buộc mọi chung cư lắp lưới, nên hay không?

Ngay sau vụ việc cháu bé rơi từ tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng xảy ra, tại nhiều hội, nhóm kín khu chung cư, cư dân đưa giải pháp và cảnh báo.

 Thậm chí tại nhiều diễn đàn, có ý kiến còn đặt vấn đề nên hay không việc có quy định "cứng" trong việc thay đổi quy chuẩn xây dựng theo hướng bổ sung lắp lưới trên lan can, ban công... 

 Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng cho biết đã có đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cho công trình xây dựng.

 Trước ý kiến cho rằng có nên buộc phải lắp lưới an toàn tại các công trình như chung cư, ông Ngọc Anh cho rằng: Bất kỳ vấn đề gì cũng có tính hai mặt. Nếu làm lưới mềm thì không cẩn thận, vẫn có thể xê dịch được. Còn nếu làm lưới cứng, thậm chí như cái "chuồng cọp" thì không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.