Nhà ở xã hội chưa tỏa sáng như kỳ vọng
(Dân trí) - Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, song việc thực hiện phân khúc bất động sản này vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Thông tin về thị trường bất động sản mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, trong cả năm 2023, trên địa bàn cả nước đã có 44 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 36.262 căn đã hoàn thành và được cấp phép, khởi công xây dựng. Trong đó có 28 dự án đã hoàn thành với quy mô 13.864 căn; đã được cấp phép, khởi công xây dựng 16 dự án với quy mô 22.398 căn.
Riêng trong quý IV/2023, trên địa bàn cả nước đã có 16 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 9.302 căn đã hoàn thành và cấp phép xây dựng. Trong đó có 7 dự án đã hoàn thành với quy mô 4.019 căn; 9 dự án được cấp phép, khởi công xây dựng với quy mô 5.283 căn.
Lũy kế thực hiện "Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030", qua tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, đến nay trên địa bàn cả nước đã có 495 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 402.898 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng. Trong đó, đã hoàn thành 70 dự án với quy mô 35.566 căn; đã khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô 107.896 căn; có 298 dự án với quy mô 259.436 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư mới.
Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, theo báo cáo, các địa phương và các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, theo đó hiện nay đã có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 27.966 tỷ đồng.
Tính đến nay đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 179,5/1.095 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty Minh Phương tại tỉnh Phú Thọ được giải ngân 28,9/95 tỷ đồng; Công ty Kinh Bắc tại tỉnh Bắc Ninh được giải ngân 46/50 tỷ đồng; Liên doanh Công ty cổ phần nhà số 6 Hà Nội và Công ty cổ phần tư vấn Toàn Cầu tại Hà Nội được giải ngân 93/950 tỷ đồng; Công ty HUD ở Bình Dương được giải ngân 11,6 tỷ đồng.
Tại sự kiện "Diễn đàn thị trường bất động sản Việt Nam 2024 (VREF 2024) diễn ra đầu tháng 1 này, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian vừa qua, việc thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp mặc dù chưa được như kỳ vọng. Nhưng đây là đề án đầy tính nhân văn, góp phần rất lớn vào công cuộc an sinh xã hội.
Ông Hoàng Hải cho biết, hiện tại Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến nhà ở cho người dân. Việc Luật nhà ở sửa đổi mở rộng đối tượng được mua nhà, bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và liên minh hợp tác xã trong các Khu công nghiệp, đã giúp làm tăng cường nguồn cung và giảm áp lực cho thị trường.
Số liệu từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho thấy, dù có sự cải thiện theo thời gian, nhưng nhìn chung, nguồn cung nhà ở năm 2023 cho thấy sự thiếu hụt, nghèo nàn. Tổng nguồn cung nhà ở cả năm 2023 đạt hơn 55.329 sản phẩm, tăng 14% so với năm 2022, chỉ bằng 32% so với năm 2018, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Theo VARS, nguyên nhân sự thiếu hụt nguồn cung này là do trong năm 2023, rất hiếm dự án mới được phê duyệt mới. Bên cạnh đó, hàng nghìn dự án dở dang bị "đắp chiếu" do vướng mắc pháp lý, một lượng không nhỏ dự án bị ngưng trệ vì thiếu vốn, chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Đáng chú ý, phân khúc bất động sản nhà ở với sự góp mặt của nhà ở xã hội được cho là cột trụ vững chắc nhất trong các phân khúc bất động sản, nhưng vẫn còn để lộ nhiều bất cập với sự lệch pha cung - cầu, thiếu vắng một cách trầm trọng về nguồn cung.
Mặc dù được kỳ vọng sẽ là "quân át chủ bài", giúp "lật ngược ván cờ". Tuy nhiên, cho đến thời điểm cuối năm, phân khúc này vẫn chưa thực sự "tỏa sáng" như kỳ vọng.