Nhà giàu "ôm" đất vùng ven chờ thời

Quế Sơn

(Dân trí) - Sau một năm "ngủ đông", vùng ven khu Tây và Nam TPHCM đang được trông chờ sẽ bùng nổ vào năm 2021. Nhiều nhà đầu tư lắm tiền đang đua nhau "ôm" hàng chờ thời.

Năm 2020, thị trường bất động sản ghi nhận sự sôi động ở khu Đông TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Trong đó, Bình Dương nổi bật khi nhiều ông lớn địa ốc đã liên tục đưa hàng ra.

Một thực tế, giá bất động sản ở tỉnh Bình Dương đã lên quá cao so với thực tế. Tại một số khu vực ở Bình Dương, giá bán vượt 40 triệu đồng/m2 cho cả đất nền và căn hộ.

Ngược lại, tại khu Tây, Nam TPHCM và tỉnh Long An trong năm qua vô cùng ảm đạm khi nhà đầu tư đã chạy về khu Đông. Nhưng gần cuối năm, thị trường đang ghi nhận dấu hiệu nhà đầu tư bắt đầu ôm hàng khu này để chờ thời.

Ghi nhận tại khu vực huyện Bình Chánh giáp ranh với huyện Bến Lức (Long An), giá nhà đất vẫn không có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thị trường không nhận được sự quan tâm của người dân vì mức giá vẫn còn khá cao, tầm 30 - 35 triệu đồng/m2.

Nhà giàu ôm đất vùng ven chờ thời - 1
Bất động sản khu Nam và Tây vẫn còn nhiều điều kiện để phát triển trong tương lai

Dọc theo quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) giá nhà đất cũng ở mức 30 - 40 triệu đồng/m2 tùy theo khu vực. Đơn vị môi giới cho biết, lượng mua giao dịch lướt sóng khá ít từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, hiện tại có một số nhà đầu tư bắt đầu tìm đất nền có pháp lý hoặc nông nghiệp để đầu tư.

Tại khu vực Long An, các huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa vẫn là những điểm nóng về bất động sản của tỉnh này. Vài năm qua, tốc độ phát triển dự án ở các huyện này là rất cao. Bên cạnh đó, giá nhà đất cũng nhảy lên ở mức 20 - 30 triệu đồng/m2.

Anh Hoàng Việt, môi giới đất ở khu vực Cần Giuộc cho biết, nếu nhà đầu tư tiếp tục chờ giá giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh thì sẽ rất khó. Bởi vì, nhiều thông tin về vacxin và phòng chống dịch hiện nay rất tốt đã khiến nhiều nhà đầu tư trở lại, từ đó thị trường sẽ phục hồi nên giá khó giảm.

"Hiện nay, một căn nhà khoảng 50m2 đã có giá gần 1,5 tỷ đồng. Ở thời điểm dịch bệnh mức giá cũng chỉ giảm khoảng 50 triệu đồng. Vì vậy, thời điểm này tiếp tục chờ giảm giá nữa để đầu tư là rất khó. Bên cạnh đó, nhiều chủ nhà cũng đã vượt qua được giai đoạn khó khăn lúc đầu, nên giờ đây chấp nhận giữ hàng để kiếm lời…", anh Việt chia sẻ.

Tại khu vực huyện Đức Hòa, xuất hiện một số doanh nghiệp thực hiện dự án nhà có diện tích nhỏ, pháp lý là sổ chung đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người lao động có thu nhập thấp. Theo đó, mỗi căn nhà có diện tích khoảng 30m2 và có mức giá không tới 800 triệu đồng.

Chị Dương Ngọc Vân (một nhà đầu tư) cho hay, đã xuống tiền mua 3 căn nhà loại này để đầu tư hoặc cho thuê.

"Khi thị trường tốt lên chỉ cần bán chênh lệch 50 triệu đồng/căn cũng sẽ có người mua. Khi mà mức giá chưa tới 800 triệu đồng, nhu cầu ở thật của người có thu nhập thấp rất lớn. Vì vậy, đầu tư vào phân khúc này có triển vọng hơn những lô đất, dự án lớn khác. Tuy nhiên, nhược điểm của loại hình này là mất nhiều thời gian hơn trong việc sang tên đổi chủ".

Bà Nguyễn Thị Linh, Giám đốc L&R cho biết, thị trường khu Nam và vùng ven tiếp giáp trong năm qua gặp nhiều khó khăn khi không nhận được sự quan tâm nhiều từ nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp nhỏ tìm những đường "ngách" khác để tung hàng. Đặc biệt với mức giá chưa cao, tương lai thị trường khu Nam và vùng ven sẽ còn nhiều triển vọng cho nhà đầu tư.

"Có không ít doanh nghiệp đang bám sát nhu cầu thực tế của người dân có thu nhập thấp để phát triển hàng. Vì vậy, loại hình giá dưới 1 tỷ đồng sẽ nhận được nhiều đón nhận. Đối với đất nền, khu Nam và tỉnh Long An vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với khu Đông cùng các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… Nếu nhà đầu tư nào vốn mạnh ôm hàng lúc này sẽ có nhiều lợi thế cho năm 2021", bà Linh chia sẻ.

Nhà giàu ôm đất vùng ven chờ thời - 2
Giá bất động sản ở khu Nam và Tây cùng khu vực vùng ven giáp ranh đang thua xa so với khu Đông

Theo DKRA Việt Nam, trong 5 năm qua, khu Đông luôn là khu vực dẫn đầu thị trường cả về nguồn cung và tiêu thụ, mức tăng giá… Trong khi đó, ở khu Nam (ngoại trừ Khu đô thị Phú Mỹ Hưng) và khu Tây, dù thị trường vẫn phát triển nhưng kém sôi động hơn so với khu Đông.

Nguyên do bắt nguồn từ việc không có nhiều các dự án lớn mới, hạ tầng giao thông chưa có nhiều kế hoạch cải tạo/nâng cấp. Tuy nhiên, đó cũng chính là dư địa để phát triển sau này. Hiện nay, khu Nam đã bắt đầu có những dấu hiệu tích cực, tiêu biểu như khởi công xây dựng nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.

Đối với khu Tây, dù lợi thế kém hơn so với các khu vực khác, đây lại là khu vực có vị thế đặc biệt -  cửa ngõ kết nối về miền Tây.

Theo định hướng và kế hoạch phát triển trong tương lai của TPHCM, khu Tây cũng có những dự án hạ tầng giao thông quan trọng sẽ được đầu tư nâng cấp/cải tạo hoặc xây mới.

Đặc biệt, dự án tuyến Metro 3A Bến Thành - Tân Kiên, cầu và đường Bình Tiên, đường Vành đai 2 (đoạn An Lạc - Nguyễn Văn Linh) sẽ rất hấp dẫn đối với các dự án bất động sản.