Nhà đầu tư “khủng” vào Cocobay: Đầu tư tìm lợi nhuận không có gì tham lam, sai trái

(Dân trí) - Nói với Dân trí, ông Mai Huy Tân cho rằng, việc dùng số tiền hợp pháp để đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận tại dự án Condotel là hoàn toàn chính đáng, không có gì tham lam hay sai trái như một số bình luận thời gian qua.

Nhà đầu tư “khủng” vào Cocobay: Đầu tư tìm lợi nhuận không có gì tham lam, sai trái - 1
Ông Mai Huy Tân trong một lần ký biên bản bàn giao bất động sản ở Cocobay Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Niên.

Hơn ba năm về trước, thông tin ông chủ xúc xích Đức Việt bán lại công ty cho đại gia Hàn Quốc tràn lan khắp mặt báo.

Những ngày gần đây, nhà sáng lập xúc xích Đức Việt – lại tiếp tục được người ta nhắc nhiều tới, nhưng dưới vai trò là nhà đầu tư “khủng” của dự án Cocobay Đà Nẵng.

Hơn 600 tỷ đồng, đó chính là số tiền mà Tiến sỹ Toán học Mai Huy Tân bỏ ra để đầu tư các sản phẩm tại tổ hợp giải trí Cocobay Đà Nẵng.

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Empire Group), chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng đã thông báo công ty sẽ không tiếp tục trả thu nhập như cam kết cho khách hàng từ đầu năm 2020. Nguyên nhân do thiếu hụt dòng tiền.

Vụ việc này được ví như “vỡ trận” trong cam kết lãi suất condotel, đồng thời thổi bùng lên làn sóng phản đối từ phía nhà đầu tư.

Một số chuyên gia sau đó lên tiếng cho rằng việc đưa ra lãi suất không tưởng tới mức 12-14% là “không tưởng”, đánh vào lòng thành, sự kém hiểu biết của nhà đầu tư.

Nói với Dân trí, ông Mai Huy Tân cho rằng, so với thời làm Xúc xích Việt Đức lãi 40%/năm, thì mức lãi suất 8-12% Thành Đô cam kết không phải là cao.

Vị doanh nhân 70 tuổi cũng nhấn mạnh, việc dùng số tiền hợp pháp để đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận tại dự án này là hoàn toàn chính đáng, không có gì tham lam hay sai trái như một số bình luận thời gian qua.

Tại thời điểm quyết định đầu tư vào Cocobay, ông Tân từng nói: “Tôi suy nghĩ, mình sẽ sử dụng những đồng tiền lao động sau một cuộc đời cần mẫn như thế nào cho có hiệu quả. Và lúc này, tôi đặt ra 5 tiêu chí để sử dụng hiệu quả thành quả làm việc của mình sau ngần ấy năm. Thứ nhất: giữ được giá trị của nguồn vốn; thứ hai: có được nguồn lợi nhuận hằng năm tốt hơn lãi suất mà ngân hàng mang lại; thứ ba: không quá vất vả như khi tôi khởi nghiệp kinh doanh ở tuổi 50; thứ tư: con cháu có thể nối nghiệp và cuối cùng là giá trị đầu tư phải được gia tăng trong tương lai”.

Từ 5 tiêu chí này, bất động sản du lịch đã trở thành điểm đến đầu tư của ông sau thành công trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn.

“Sau khi tìm hiểu rất kỹ và đối chiếu với những tiêu chuẩn đưa ra, tôi đã chọn tổ hợp giải trí Cocobay. Giữa thiên đường nghỉ dưỡng miền Trung với rất nhiều dự án giống nhau một theo mô típ được dựng sẵn: ăn, ngủ nghỉ và tịnh dưỡng, Cocobay đã để lại ấn tượng rất riêng cho tôi.

Theo ông Mai Huy Tân, thời điểm sau khi nhượng lại xúc xích Đức Việt, ông không có ý định đầu tư vào bất động sản mà muốn đóng góp số vốn có được cho một doanh nghiệp đáng tin cậy để phát triển lĩnh vực du lịch. Sau đó, vì tin tưởng nên đổi ý, rẽ hướng đầu tư.

Kết quả qua nhiều cuộc thương lượng, tổng giá trị ông đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng dưới danh nghĩa Công ty TNHH Nhịp cầu Việt - Đức đầu tư khoảng gần 600 tỷ đồng, trong đó vay SHB 402 tỷ đồng, gồm: Mua 8 căn biệt thự 5 sao ở khu Naman Retreat, với cam kết lợi nhuận là 10%/năm; mua 24 căn Boutique Hotel và 10 căn condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng (mỗi Boutique Hotel cao 7 tầng, có 20 phòng ngủ, 2 tầng kinh doanh) với cam kết lợi nhuận là 12,5%/năm. 10 căn condotel cam kết lợi nhuận là 12%/năm, tổng cộng là 42 bất động sản.

“Tôi đã dốc hết gần 200 tỷ đồng vốn, lại vay thêm SHB 402,5 tỷ với lãi suất 10,4% năm để đầu tư vào Cocobay và giờ đây đang bị đẩy vào tình thế nợ nần nguy hiểm” - ông Tân phân trần.

Cocobay tiếp tục gửi thư thuyết phục hơn 1.000 khách mua condotel

Liên quan tới vụ Cocobay Đà Nẵng, ngày 1/12, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô tiếp tục công văn phương án xử lý chi tiết về việc dừng chi trả thu nhập cam kết tại dự án Cocobay.

Theo đó, Công ty Thành Đô khẳng định chi trả cho khách hàng tiền thu nhập cam kết cho đến ngày 31/12 theo thỏa thuận trước đây. Sau thời gian này, chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng sẽ gửi đến khách hàng lộ trình thanh toán.

Trong quý II/2020, sẽ thực hiện việc tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho từng căn nhà của các chủ sở hữu trong từng khối nhà (mỗi khối gồm 10 căn).

Khách hàng muốn nhận bàn giao tài sản là căn hộ chung cư, Công ty Thành Đô thông tin số lượng căn hộ chung cư được chuyển đổi là 1.016 căn hộ chung cư/ 1.856 căn condotel (hơn 50%) nên sẽ ưu tiên thực hiện cho những khách hàng đăng ký chuyển đổi trước. Thời hạn đăng ký trước ngày 20/12.

Nếu hết hạn mức mà các khách hàng vẫn tiếp tục đăng ký chuyển đổi, Thành Đô cho biết sẽ không thể thực hiện được.

Với nhóm khách hàng muốn thanh lý hợp đồng mua bán, các chi phí hỗ trợ lãi suất vay và chi phí trả nợ trước hạn tại Ngân hàng SHB (nếu có) thu hồi phải là bắt buộc. Trong khi đó, chi phí hỗ trợ bán hàng trước đây, khách hàng và Công ty Thành Đô sẽ thỏa thuận và thống nhất.

“Công ty Thành Đô đã làm việc với Ngân hàng SHB và sẽ công bố công khai các biện pháp đảm bảo thực thi việc trả tiền thanh lý trên nguyên tắc tuân thủ biên bản thanh lý đã ký. Tuy nhiên, trách nhiệm của Công ty Thành Đô vẫn phải trả lãi suất 10%/năm kể từ ngày hai bên ký Biên bản Thanh lý hợp đồng cho đến khi khách hàng nhận được toàn bộ tiền thanh toán”, chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng cho biết.

Nguyễn Mạnh