Người mua có tâm lý giữ tiền, chờ bất động sản giảm thêm?
(Dân trí) - Nguyên nhân chủ yếu khiến giao dịch nhà đất không thể "chốt kèo" được cho là do người mua có tâm lý muốn giữ tiền, chờ bất động sản giảm thêm.
Chờ bất động sản giảm thêm
Báo cáo thị trường bất động sản quý II của một kênh thông tin về bất động sản cho thấy, thị trường trải qua nửa đầu năm với khó khăn, thách thức chưa thể khắc phục. Giao dịch suy giảm, nhu cầu mua tiếp tục rơi vào thấp điểm, tâm lý đầu tư yếu, thanh khoản chung chưa có dấu hiệu phục hồi.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, mặc dù Chính phủ đã có những động thái quyết liệt gỡ khó, từ tháo gỡ pháp lý cho hàng loạt dự án, hạ lãi suất điều hành, liên tục giảm lãi suất huy động… Tuy nhiên, các chính sách này vẫn cần thời gian để thẩm thấu vào thị trường bất động sản.
Về nhu cầu giao dịch, dữ liệu của đơn vị trên chỉ ra, lượng tìm mua bất động sản toàn quốc trong nửa đầu năm giảm 33% so với cùng kỳ năm trước, lượng tin đăng bán bất động sản cũng giảm đến 44%. Đặc biệt, lượng quan tâm tìm mua đất nền giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Tình hình giao dịch trầm lắng do niềm tin của người mua, nhà đầu tư bị ảnh hưởng và những khó khăn về hạn mức tín dụng, lãi suất vay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cả nguồn cung và lực cầu bất động sản vẫn đang đối diện nhiều thách thức.
Một khảo sát được đơn vị trên tiến hành với gần 1.000 môi giới bất động sản đã chỉ ra khó khăn lớn nhất khiến các giao dịch nhà đất không thể "chốt kèo". Theo đó, nguyên nhân chủ yếu do người mua có tâm lý muốn giữ tiền chờ bất động sản giảm thêm. Một số khác cảm thấy hoang mang, nghi ngại thị trường bất động sản sẽ vẫn còn tiêu cực nên chưa dám bỏ tiền vào.
Việc khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà, áp lực lãi suất lớn và giá nhà vẫn đang quá cao so với thu nhập người mua cũng là những rào cản lớn khiến thanh khoản thị trường chưa thể tốt lên. Bên cạnh đó, lệch pha cung cầu diễn ra trong những năm qua đã khiến nhiều người mua có nhu cầu ở thực, vốn chuộng sản phẩm nhà vừa túi tiền không tìm được sản phẩm phù hợp mình mong muốn.
Nguồn cung nghèo nàn
Trong một báo cáo vừa được công bố của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hơn 90% doanh nghiệp môi giới là hội viên của VARS ghi nhận doanh thu quý I sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 39% doanh nghiệp có doanh thu quý I sụt giảm 20-50% và 61% doanh nghiệp tụt giảm trên 50% so với cùng kỳ. Có trường hợp một số doanh nghiệp quy mô dưới 100 nhân viên có mức giảm doanh thu 70-80% do thị trường vẫn gặp khó khăn về dòng tiền, điều kiện cho vay bị siết chặt, sức mua chưa được cải thiện...
Nguồn cung bất động sản ra thị trường chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó. Thị trường thiếu vắng hẳn thông tin mở bán từ những dự án mới hoàn toàn. Kể từ năm đầu năm 2022 đến nay, thị trường luôn trong trạng thái khát nguồn cung.
Việc nguồn cung đến từ các sản phẩm nghèo nàn từ các dự án cũ đã không đủ sức hấp dẫn với khách hàng. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi cao, hấp dẫn đã thu hút lượng tiền nhàn rỗi của khách hàng vào kênh ngân hàng, đổi lại niềm tin vào thị trường bất động sản ngày càng sụt giảm; khó khăn trong việc vay vốn mua bất động sản cũng khiến nguồn cầu sụt giảm.
Cũng theo VARS, cung cầu giảm khiến giao dịch của thị trường cũng giảm sút. Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường năm ngoái đạt khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch, chỉ bằng 17% so với lượng giao dịch của năm 2018.
Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường trong quý I năm nay chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Một thực trạng khác là thị trường truyền thống của các sàn giao dịch và môi giới bất động sản chủ yếu dựa vào các dự án khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, các dự án trên thị trường tại hầu hết địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh... đều trong tình trạng đắp chiếu, chờ phê duyệt.