Người dân ở nhà "lướt mạng" mua đồ, BĐS thương mại tê liệt vì ế khách

(Dân trí) - Không chỉ ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, phân khúc bất động sản thương mại, mặt bằng cho thuê đang mất dần vị thế do phải cạnh tranh khốc liệt với các sàn thương mại điện tử.

Dịch Covid-19, phân khúc bất động sản thương mại giảm 10 - 30%

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, phân khúc bất động sản thương mại, mặt bằng cho thuê tại Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là có giá thuê cao, tiềm năng đầu tư sinh lời lớn.

Cụ thể, theo nghiên cứu của Công ty TNHH CBRE Việt Nam, giá thuê mặt bằng, bất động sản thương mại các thành phố lớn tăng đều mỗi năm và tăng mạnh ở khu vực trung tâm thành phố.

Người dân ở nhà lướt mạng mua đồ, BĐS thương mại tê liệt vì ế khách - 1

Trung tâm thương mại Hàng Da (Hà Nội) không một bóng người

Cụ thể, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm TP.HCM năm 2017 là 120 USD/m2/ tháng, tới quý 3/2019, mức giá tăng lên 135,5 USD/m2/tháng (mức tăng khoảng 12,5%). Giá thuê mặt bằng tại khu vực ngoại thành TP.HCM ổn định trong khoảng 33 - 35,8 USD/m2/tháng.

Cũng theo nghiên cứu của CBRE, mặt bằng cho thuê tại Hà Nội trong quý II/2019 là 100 USD/m2/tháng.

Như vậy, với 50 m2 mặt sàn, tại trung tâm TP.HCM, doanh nghiệp sẽ phải trả 6.750 USD/ tháng (khoảng 155 triệu đồng/ tháng). Tương tự, mức giá thuê mặt bằng tại Hà Nội là 5.000 USD /tháng (khoảng 115 triệu đồng/ tháng).

Không chỉ phân khúc bất động sản thương mại, ngay cả các cửa hàng mặt phố do người dân sở hữu, mức giá thuê cũng rất cao.

Người dân ở nhà lướt mạng mua đồ, BĐS thương mại tê liệt vì ế khách - 2

Do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã trả lại mặt bằng, cửa hàng khiến cho thị trường bất động sản thương mại sụt giảm.

Ví dụ, ở TP.HCM, khu vực “hot” nhất nằm ở Quận 1 và Quận 3, mức giá thuê mặt bằng tại đây có thể lên tới 1 - 2 triệu đồng/ m2/ tháng, tùy thuộc vào vị trí, diện tích mặt sàn. Tương tự, tại Hà Nội, các tuyến phố như Hàng Ngang - Hàng Đào, Bà Triệu, Xã Đàn, Cầu Giấy cũng có mức giá rất cao, dao động 1 - 2,5 triệu đồng/ m2/ tháng.

Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, trong năm 2019, phân khúc cửa hàng mặt phố tại các thành phố lớn đều tăng mạnh. Riêng tại TP.HCM, mức tăng dao động từ 15 - 50%. Trong đó, các tuyến phố sầm uất, đông đúc tại khu vực Quận 1 tăng mạnh nhất, dao động từ 35% - 50%.

Thế nhưng, hiện tại, do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã trả lại mặt bằng, cửa hàng khiến cho thị trường bất động sản thương mại sụt giảm.

Theo ghi nhận của Batdongsan.com.vn, chủ mặt bằng ở một số tuyến phố đã chủ động giảm 20 - 30% so với cuối năm 2019, áp dụng với khách thuê dài hạn hoặc khách quen. Đối với khách mới, mức giảm là 10% - 20%.

Người dân ở nhà lướt mạng mua đồ, BĐS thương mại tê liệt vì ế khách - 3

Phân khúc bất động sản thương mại, mặt bằng cho thuê (kênh bán hàng offline) đang mất dần ưu thế do vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của thương mại điện tử, hoặc các kênh bán hàng online.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, phân khúc bất động sản cho thuê đang ở tình cảnh rất nghiêm trọng. Có thể, thị trường chưa tới mức đóng băng hay tê liệt, song rõ ràng đang sụt giảm.

“Điều này có thể kéo dài trong vài tháng tới, phụ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19”, ông Đính nói.

Mất dần vị thế độc tôn

Không chỉ ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, phân khúc bất động sản thương mại, mặt bằng cho thuê (kênh bán hàng offline) đang mất dần ưu thế do vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của thương mại điện tử, hoặc các kênh bán hàng online.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, nếu như 10 năm trước, các doanh nghiệp hoặc các hộ kinh doanh cá thể muốn tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá sản phẩm thì bắt buộc phải thuê mặt bằng giá cao tại các tuyến phố chính, sầm uất để mở cửa hàng, cửa hiệu.

Thế nhưng, hiện nay, trước sự bùng nổ của thời đại Internet, các kênh bán hàng online như trên Facebook, Youtuber, hoặc các sàn thương mại điện tử đang chứng tỏ ưu thế vượt trội, hiệu quả hơn rất nhiều so với việc thuê mặt bằng để mở cửa hàng.

Người dân ở nhà lướt mạng mua đồ, BĐS thương mại tê liệt vì ế khách - 4

Theo ông Nguyễn Văn Đính, trước nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam, hơn 90% người dân tại các thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều không muốn ra khỏi nhà, thay vào đó, họ lựa chọn mua hàng online, đi chợ trên các sàn thương mại điện tử.

“Công nghệ Internet đang rất phát triển, người dân chỉ cần ngồi nhà đi chợ online, mua sắm các vật dụng thiết yếu và thuê shipper giao hàng. Chình vì bán hàng online đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân, nên bất động sản thương mại, mặt bằng bán lẻ đang bị ảnh hưởng tiêu cực và mất dần giá trị”, ông Đính nói.

Có cùng nhận định trên, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng xấu đến phân khúc bất động sản thương mại. Mặt bằng bị trả hàng loạt, giá đã giảm nhưng vẫn không có người thuê, tuy nhiên, chủ đầu tư, chủ nhà vẫn phải chịu thuế đất và một số chi phí khác.

Theo ông Lực, hiện nay, Chính phủ cũng đã có công bố gói tài khóa 30.000 tỷ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Có thể hiểu, gói tài khóa 30.000 tỷ đồng sẽ được dùng trong việc hỗ trợ đóng thuế, giảm thuế cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia bất động sản tin rằng, nếu Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19, phân khúc bất động sản thương mại, mặt bằng bán lẻ sẽ hồi phục. Thế nhưng, phân khúc này gần như không thể trở lại giai đoạn “hoàng kim” như trước.

Việt Vũ