Nghệ thuật bonsai Nhật Bản: Sự kết hợp của thời gian và công sức

Thanh Xuân

(Dân trí) - Không đơn giản chỉ là trồng một cái cây nhỏ trong chậu cảnh, nghệ thuật bonsai Nhật còn là một môn nghệ thuật nghiêm túc đã vượt ra khỏi ranh giới nước Nhật đến với toàn thế giới.

Nhiều người bắt đầu quan tâm đến cây cảnh bonsai nhờ vào bộ phim Karate Kid phiên bản cũ. Trong bộ phim này, những cây cảnh bonsai có kết nối mạnh mẽ với sự bình yên trong tâm hồn. Tuy nhiên, bạn không cần đam mê võ thuật mới có thể thưởng thức bonsai.

Từ "bonsai" có nghĩa đen là "trồng cây trong chậu", và bonsai bắt nguồn từ Trung Quốc vào hơn 1.300 năm trước. Khoảng 1.000 đến 800 năm trước, bonsai mới có "phiên bản" đầu tiên ở Nhật.

Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng bonsai có gì hay mà từ vài trăm năm trước, nhiều người đã có thể dành cả cuộc đời để chăm sóc chúng? Đây là một câu hỏi khó trả lời vì có rất nhiều lý do, nhưng có thể giải thích một cách đơn giản nhất rằng bonsai rất đẹp.

Để tạo ra một cây bonsai với hình dáng như ý đòi hỏi người trồng phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức, thậm chí trải qua hàng chục thế kỷ, qua tay hàng trăm người chăm sóc hoặc nhiều thế hệ trong một gia đình. Đối với nhiều người Nhật, bonsai thậm chí còn được xem là món tài sản thừa kế giá trị bậc nhất.

Nghệ thuật bonsai Nhật Bản: Sự kết hợp của thời gian và công sức - 1
Cây cảnh bonsai có thể trưng bày trông giống một tiểu cảnh. Nguồn ảnh: livejapan.com

Tại Nhật Bản, một trong những cây bonsai lâu đời nhất và nổi tiếng nhất là "Sandai Shogun no Matsu" với niên đại 500 năm tuổi và đã được phong làm Quốc Bảo nước Nhật. Theo các tài liệu được ghi chép lại, cây bonsai này được tướng quân Tokugawa Iemitsu, Shogun đời thứ ba - người đã tuyên bố chính sách đóng cửa Nhật Bản tại thế kỷ thứ 17 - chính tay chăm sóc.

Có rất nhiều cây bonsai nổi tiếng khác, có những cây đã được 800 đến 1.000 năm tuổi với những mẫu vật được trưng bày tại Bảo tàng Bonsai Omiya ở Saitama gần Tokyo. Một cây bonsai 400 tuổi rất nổi tiếng tên là bonsai Thông trắng đã sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử tại Hiroshima, dù cách nơi quả bom nổ hơn 3km nhưng lại may mắn sống sót nhờ được bảo vệ bởi một bức tường.

Nghệ thuật bonsai Nhật Bản: Sự kết hợp của thời gian và công sức - 2
Cây bonsai Sandai Sogun no Matsu có độ tuổi hơn 500 năm, được coi là báu vật quốc gia của đất nước mặt trời mọc. Nguồn ảnh: sekaibonsai.com

Thật khó để giải thích điều gì tạo nên một cây cảnh bonsai vì rõ ràng không phải cây cảnh nào trồng trong chậu cũng được coi là cây bonsai. Một cách giải thích đơn giản nhất chính là cây bonsai trông giống một cái cây bình thường, nhưng ở dạng thu nhỏ.

Thêm vào đó, một cây bonsai nên được tạo dáng theo một số thế cơ bản bao gồm 5 thế: Chokkan (thẳng đứng), Moyogi (thẳng đứng phóng khoáng), Shakan (nghiêng), Kengai (thác đổ) và Han Kengai (bán thác đổ).

Nghệ thuật bonsai Nhật Bản: Sự kết hợp của thời gian và công sức - 3
Nhiều hình dạng khác nhau của cây cảnh bonsai. Nguồn ảnh: livejapan.com

Mặc dù trồng cây cảnh bonsai giống chăm sóc một cái cây nhỏ nhưng nó thực sự được coi là một môn nghệ thuật, và những bậc thầy bonsai cũng không khác gì những họa sĩ hay những nhà điêu khắc đại tài. Nghệ thuật bonsai là sự kết hợp của rất nhiều thời gian và công sức.