Ngày lễ Kim gãy kì lạ ở Nhật Bản

Chi Chi

(Dân trí) - Lễ tưởng niệm cây kim dường như mang ý nghĩa tri ân công lao và cầu mong cải thiện trong công việc may vá.

Ngày Lễ Kim gãy Harikuyo là ngày mà người Nhật, đặc biệt là những người con gái và phụ nữ, tưởng niệm những chiếc kim chỉ bị gãy hoặc hoen gỉ, không thể sử dụng được nữa. Tuy trong thời buổi hiện đại việc sử dụng kim để may vá không còn nhiều nhưng đối với người Nhật nghi lễ này vẫn luôn mang một ý nghĩa lớn lao.
 
Nguồn gốc
 
Tuy không rõ nguồn gốc chính xác của ngày lễ này, nhưng có nhiều giả thuyết cho rằng đây là một phong tục được du nhập từ Trung Quốc vào thế kỷ thứ 9. Vào nửa sau thế kỷ thứ 9, hoàng đế Kiyowa (thời Heian) đã cho xây dựng một khu tưởng niệm những cây kim ở chùa Horinji, thể hiện sự coi trọng rất cao thông qua "Lễ tưởng niệm những chiếc kim".
 
Ngày lễ Kim gãy kì lạ ở Nhật Bản - 1

Những chiếc kim may được ghim trong thạch Konnyaku trong ngày lễ Kim gãy được tổ chức tại một trường cấp 3 ở tỉnh Fukuoka (Ảnh: Kilala). 

Lễ tưởng niệm cây kim dường như mang ý nghĩa tri ân công lao và cầu mong cải thiện trong công việc may vá. Từ đó, lễ hội này đã được phát triển khá mạnh mẽ, nhất là vào thời kỳ Muromachi, khi những chiếc kim sắt bắt đầu được sản xuất hàng loạt.
 

Ở Nhật Bản, ngày lễ này được tổ chức vào ngày 8 tháng 2 và ngày 8 tháng 12, được gọi chung là "Kotoyoka", ngày 8 tháng 2 được gọi là "Kotohajime", nghĩa là ngày bắt đầu công việc, và ngày 8 tháng 12 được gọi là "Kotoosame", nghĩa là ngày kết thúc công việc.

Ngày lễ Kim gãy kì lạ ở Nhật Bản - 2

Ngày lễ này có ý nghĩa rất quan trọng đối với những người phụ nữ làm nghề may vá (Ảnh: Kilala). 

Cả hai ngày này đều được coi là "ngày sống bằng sự khiêm tốn" và nên nghỉ việc may vá, vì vậy nó là đã được chọn để trở thành ngày Lễ Kim gãy. Thường phía đông Nhật Bản (vùng Kanto) sẽ tổ chức vào ngày 8 tháng 2, còn phía tây (vùng Kansai) lại tổ chức vào ngày 8 tháng 12.

Ý nghĩa

Công việc may vá là một công việc rất quan trọng đối với phụ nữ, vì vậy, thay vì ngay lập tức vứt những chiếc kim bị gãy và gỉ sét, thì người ta ghim nó vào những đậu phụ mềm hoặc Konnyaku (thạch) với lòng biết ơn rồi gói chúng vào trong giấy và thả xuống sông, hoặc đặt chúng trong đền thờ nhằm cầu mong sự cải thiện trong may vá. 

Ngày lễ Kim gãy kì lạ ở Nhật Bản - 3

Ngày Lễ Kim gãy bắt đầu ở Nhật từ thế kỷ thứ 9 (Ảnh: Kilala). 

Kim còn là một công cụ quan trọng trong thời đại của Kimono. Vào thời Edo, ngày lễ này trở nên phổ biến như một lễ hội để cầu nguyện cho kim chỉ và cải thiện tay nghề.

Những chiếc kim gãy hoặc hoen gỉ không còn dùng được nữa cho thấy rằng người sử dụng nó đã làm việc cần mẫn, và những chiếc kim là vật chứng cho sự tôi luyện bản thân và kỹ thuật. Những người chủ của cây kim mỗi khi nhìn vào kim gãy đều như có thể nhìn thấy quãng thời gian mình sử dụng những chiếc kim để làm việc trong một năm qua.

Vì vậy, Lễ hội Kim gãy là một cách để người ta bày tỏ lòng cảm kích với những chiếc kim gắn bó cùng mình làm việc và cũng mong muốn tay nghề có thể ngày càng tiến bộ hơn.

Ngày lễ Kim gãy kì lạ ở Nhật Bản - 4

Những cây kim sẽ được ghim trong những vật mềm mại như đậu hủ hay Konnyaku (Ảnh: Kilala). 

Ngoài ra, còn nhiều giả thuyết về ý nghĩa của nghi lễ này, chẳng hạn phụ nữ làm lễ để cầu nguyện trở thành một người đẹp có làn da trắng và làm việc siêng năng, những chiếc kim gãy là một vật tế tốt nhất để các vị thần nhìn thấy sự cố gắng.

Nghi thức diễn ra như thế nào?

Như đã đề cập ở trên, nghi thức kỷ niệm kim chỉ được thực hiện bằng cách mang những chiếc kim không thể sử dụng được nữa vào điện thờ. Tại đền chùa, những chiếc kim sẽ được thanh tẩy và làm lễ kỷ niệm. Nếu bạn có kim mà không sử dụng thì có thể mang đến bất kỳ ngôi đền nào gần nhà để thực hiện nghi lễ.
 
Ngày lễ Kim gãy kì lạ ở Nhật Bản - 5

Nghi lễ Kim gãy được tổ chức ở một đền thờ (Ảnh: Kilala). 

Trong văn hóa Nhật Bản, họ tin rằng mọi thứ đều có linh hồn, dù là ngọn cây cọng cỏ trong tự nhiên hay những thứ do bàn tay con người tạo ra, và hiển nhiên là cây kim cũng có linh hồn của nó.

Nên người ta thường thực hiện nghi lễ với việc ghim những chiếc kim vào vật mềm như đậu phụ hay Konnyaku, như một cách để thể hiện lòng cảm ơn với những chiếc kim đã vất vả làm việc không ngại đâm vào vật cứng hay vải dày thô ráp, để đến cuối đời những chiếc kim có thể ghim mình thoải mái trong những thứ mềm mại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm