1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Một năm buồn với giới địa ốc: Giao dịch giảm sút, doanh nghiệp đua nhau… phá sản

(Dân trí) - Năm 2019, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 16.840 doanh nghiệp, tăng 3,2% so với năm 2018. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất với 686 doanh nghiệp, tăng 39,4%.

Một năm buồn với giới địa ốc: Giao dịch giảm sút, doanh nghiệp đua nhau… phá sản - 1
Không chỉ có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng đăng ký tạm ngừng hoạt động, lượng doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể cũng chiếm vị trí đầu bảng.

Doanh nghiệp địa ốc rút lui khỏi thị trường tăng mạnh

Báo cáo vừa công bố của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết những con số đáng lưu ý của ngành bất động sản năm 2019.

Theo báo cáo này, kết thúc năm 2019, có 89.282 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 20,2% so với năm 2018).

Trong đó, có 14 ngành kinh doanh chính có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh bất động sản đứng vị trí đầu bảng.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm ngừng hoạt động năm 2019 là 598 doanh nghiệp, tăng tới 36,8%. Tiếp đến là các ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm…

Không chỉ có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng đăng ký tạm ngừng hoạt động, lượng doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể cũng chiếm vị trí đầu bảng.

Cụ thể, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2019 là 16.840 doanh nghiệp, tăng 3,2% so với năm 2018. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất với 686 doanh nghiệp, tăng 39,4%.

Giao dịch bất động sản năm 2019 giảm gần 30%

Tổng hợp số liệu nguồn cung bất động sản trong năm 2019 của Bộ Xây dựng cho thấy, số dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai tại 2 thành phố lớn là 105 dự án.

Trong đó, tại thành phố Hà Nội có 58 dự án với 31.184 căn chung cư, tăng 20,1% so với năm 2018 và 1.963 căn thấp tầng, giảm 49,1% so với năm 2018.

Tại TP.HCM có 47 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.Tuy nhiên số liệu lại có sự đảo chiều so với thành phố Hà Nội, với 23.485 căn chung cư, giảm 14,1% so với năm 2018 và 1.319 căn thấp tầng, tăng 9,9% so với năm 2018.

Theo Bộ Xây dựng, tổng số giao dịch thành công năm 2019 có khoảng 83.136 giao dịch (giảm 26,1% so với năm 2018). Trong đó, số lượng bất động sản nghỉ dưỡng (Căn hộ du lịch, biệt thự du lịch) có khoảng 6.280 giao dịch (giảm 20% so với năm 2018).

Giá condotel lao dốc

2019 là một năm đáng nhớ với thị trường bất động sản với việc vỡ trận trong cam kết lãi suất condotel.

Việc phá vỡ cam kết lợi nhuận của một số dự án đã đánh mạnh vào niềm tin của giới đầu tư. Nhiều người lo ngại hiệu ứng “domino” đổ vỡ bởi thực tế, không chỉ Cocobay, rất nhiều dự án khác cũng đang chật vật trong việc chi trả cam kết.

Nhiều chuyên gia dùng từ “thoái trào” hay “khủng hoảng” để nói về phân khúc bất động sản này. Đặc biệt, trong bối cảnh sau 3 năm, khung pháp lý cho condotel vẫn chưa có, niềm tin vào lợi nhuận “khủng” bị lung lay.

Nhiều nhà đầu tư tháo chạy vì lo ngại rủi ro tài chính và pháp lý. Hoàn thiện khung pháp lý cho condotel được cho là giải pháp quan trọng để “cứu” thị trường này.

Theo số liệu của trang batdongsan.com.vn, một điểm đáng quan tâm là giá condotel đang có xu hướng giảm. Cụ thể nếu năm 2018, giá trung bình condotel cả nước gần 40 triệu đồng/m2 thì đến năm 2019 chỉ ở mức 35 triệu đồng, giảm 8%.

Cùng với giá, lượng giao dịch loại hình bất động sản này cũng đi xuống. Theo Bộ Xây dựng, condotel phát triển ở Việt Nam từ năm 2015, cao trào vào năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2018, 2019 thì gần như giảm mạnh. Đáng lưu ý, dự án condotel năm 2019 giảm tới 8% so với cao điểm, giao dịch căn hộ giảm một nửa.

Nguyễn Mạnh