Một căn nhà không chịu di dời, dự án của nữ tỷ phú 16 năm "đắp chiếu"

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị thành phố gỡ khó pháp lý cho 64 dự án nhà ở bị "ách tắc" nhiều năm, khơi thông thị trường bất động sản.

Nhiều trong số 64 dự án này vướng mắc giải phóng mặt bằng nên "đóng băng" cả chục năm. Điển hình như trường hợp Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long (thành viên Tập đoàn Sovico của bà Nguyễn Thị Phương Thảo). Công ty này đã đề nghị lãnh đạo TPHCM hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án Dragon City (trúng đấu giá đất) và dự án ngầm hóa đường điện cao thế 220kV Nhà Bè - Tao Đàn (đoạn từ cầu Rạch Đĩa đến trạm Nhà Bè).

Cụ thể, theo văn bản của HoREA, Công ty Phú Long đã trúng đấu giá đất từ năm 2004 bao gồm 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè để thực hiện dự án Dragon City. Tuy nhiên đến nay, tại phân khu số 15 của dự án này vẫn còn tồn tại 1 căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời dẫn đến hơn 16 năm nay chủ đầu tư không thể triển khai dự án.

Một căn nhà không chịu di dời, dự án của nữ tỷ phú 16 năm đắp chiếu - 1

Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị thành phố gỡ khó pháp lý cho 64 dự án nhà ở bị "ách tắc" nhiều năm (Ảnh: DT).

Ngoài ra, UBND thành phố đã giao Công ty Phú Long làm chủ đầu tư Dự án ngầm hóa đường điện cao thế 220kV Nhà Bè - Tao Đàn (đoạn từ cầu Rạch Đĩa đến trạm Nhà Bè). Trung tâm phát triển quỹ đất và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè có trách nhiệm tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất cho công ty thực hiện dự án còn doanh nghiệp có trách nhiệm ứng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng và ngầm hóa tuyến điện.

Theo phương án bồi thường được duyệt, Phú Long đã chuyển hơn 160 tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng hơn 14 năm nay Trung tâm phát triển quỹ đất và Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè vẫn chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong để giao đất.

Một trường hợp khác là Công ty S.S.G 2 cũng vướng vấn đề giải phóng mặt bằng. Doanh nghiệp này trước đó đã đề nghị đầu tư xây dựng đường đi bộ trên cao kết nối ga metro số 6 tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên với Dự án Thảo Điền Pearl. Tuy nhiên theo HoREA, đã hơn 8 năm qua, công ty không thể tự thương lượng được với 3 hộ dân có khoảng 230 m2 đất trong lộ giới xây cầu dẫn đi bộ trên cao.

UBND TP đã có chỉ đạo giao UBND quận 2 rà soát pháp lý quy hoạch của cầu bộ hành kết nối dự án Thảo Điền Pearl với ga Thảo Điền (ga số 6) và khẩn trương xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành để di dời các hộ dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án như cam kết, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được.

Cũng tại văn bản gửi lãnh đạo TPHCM, HoREA đã đề nghị UBND thành phố phối hợp hoặc đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sớm có kết luận đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát về pháp lý hoặc phải kiểm tra, thanh tra, điều tra.

Hiệp hội này cho biết, các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát về pháp lý hoặc phải kiểm tra, thanh tra, điều tra đều đã được chấp thuận đầu tư, hoặc triển khai thực hiện trong nhiều năm trước đây, trong đó có những dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng và người mua nhà đã cư ngụ ổn định.