Môi giới khóc ròng, bế tắc khi hùn tiền với khách để mua chung đất

Hà Phong

(Dân trí) - Góp vốn mua đất cùng khách, môi giới ôm nợ khi rơi vào thế không được quyền bán, còn nếu cắt lỗ thì lại mất trắng.

Thị trường bất động sản vẫn trong trạng thái trầm lắng. Không ít nhà đầu tư, môi giới từng ăn lên làm ra giờ lại thành nạn nhân của thị trường "sốt nóng".

Làm môi giới vì dễ kiếm tiền

Trong câu chuyện chia sẻ mới đây với phóng viên Dân trí, anh Trần Văn Thành - một môi giới nhà đất không chuyên ở Nam Định - cho biết, trong khoảng 3 năm làm nghề môi giới anh đã nếm đủ "hỉ nộ ái ố". Hiện tại, dù sở hữu nhiều lô đất bằng việc góp vốn mua chung nhưng anh đang phải "ôm" nợ, không biết tháo gỡ kiểu gì.

Vốn dĩ anh Thành là chủ của một studio chụp ảnh sự kiện, đám cưới, thời trang… Đến năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, nhiều hoạt động xã hội bị tạm dừng, thu nhập từ công việc chụp ảnh của anh giảm sút.

Môi giới khóc ròng, bế tắc khi hùn tiền với khách để mua chung đất - 1

Môi giới nhà đất thường được coi là nghề dễ kiếm nhiều tiền (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Đúng lúc ấy, anh thấy hoạt động mua bán đất nền ở khu vực mình sống diễn ra sôi động. Anh dần dần tìm kiếm thông tin và đi theo một số môi giới khác.

"Tôi bị cuốn ngay vào nghề môi giới khi thấy đồng nghiệp xung quanh thu lãi hàng chục triệu đồng tới cả trăm triệu đồng sau mỗi giao dịch", anh Thành nói và khẳng định, mình là người bắt nhịp rất nhanh với nghề khi có sẵn mối quan hệ xã hội từ nghề chụp ảnh trước đó.

Ngay tháng đầu tiên, anh đã có giao dịch thành công. "Tôi tự tin trong việc tìm kiếm và tư vấn cho khách hàng. Do đó, khả năng giao dịch của tôi rất lớn", anh Thành nói.

Đầu tư theo nguyên tắc "không bỏ hết trứng vào một giỏ"

Khi lợi nhuận đến từ các khoản hoa hồng sau các giao dịch thành công đạt tới hơn 1 tỷ đồng, anh Thành bắt đầu nghĩ tới việc đầu tư. Nguyên tắc đầu tư anh đi theo là "không bỏ hết trứng vào một giỏ".

Có vốn, có nguyên tắc đầu tư, anh Thành bắt đầu góp tiền mua đất cùng một số nhà đầu tư - là khách của anh trước đó. Do vốn ít, anh chỉ góp 300-400 triệu đồng, đóng vai trò "cổ đông" nhỏ trong tất cả lô đất đã mua.

Số lô đất góp vốn của anh Thành tăng nhanh trong khoảng thời gian giữa năm 2021 đến đầu năm 2022. Số vốn của anh đầu tư vào đất là toàn bộ hoa hồng kiếm được từ nghề môi giới và khoản vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng.

"Góp vốn mua đến lô đất thứ 2, tôi như quên mình là môi giới. Tôi dùng tiền làm ra, tiền vay ngân hàng để góp vốn cùng các nhà đầu tư khác mua hết mảnh này tới mảnh kia mà không nghĩ tới "bài toán" tài chính phía sau", anh Thành kể.

Thế rồi, khi đang "ngủ quên" trên chiến thắng vì sở hữu tới 6 lô đất khác nhau cùng các nhà đầu tư, thị trường rơi vào trầm lắng. "Thị trường không có người mua, chỉ có người dò hỏi và dần dần không ai mua bán gì. Trong khi đó, ngay tháng trước thôi, việc mua bán vẫn còn diễn ra sôi động", anh Thành nói.

Cắt lỗ thì mất trắng

Thị trường trầm lắng, không mua bán gì, đồng nghĩa với việc tiền của anh Thành và các nhà đầu tư "chôn" vào đất. Khó khăn càng lúc càng nhiều với anh Thành khi áp lực trả lãi vay và thời gian đáo hạn khoản nợ ngân hàng.

Đáng nói, trong 6 lô đất anh đầu tư, số vốn của anh đều chiếm một phần nhỏ. Anh hoàn toàn không có quyền quyết trong việc bán.

"Tôi có đề xuất cùng những người mua chung bán lô đất này, lô đất kia, nhưng họ không đồng ý. Bởi thời điểm này, muốn bán được đều phải cắt lỗ so với giá mua vào, trong khi đó họ lại đang có tài chính tốt cần bán", anh Thành nói.

Môi giới khóc ròng, bế tắc khi hùn tiền với khách để mua chung đất - 2

Đất nền ở các tỉnh lẻ giảm mạnh so với đỉnh "sốt đất" (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Cay đắng hơn, theo anh Thành, khó khăn lắm mới thuyết phục nhà đầu tư đồng ý bán lô đất anh góp vốn cùng. Nhưng nếu bán với giá phù hợp thị trường hiện tại để có người mua thì số vốn anh góp là 300 triệu đồng, chỉ đủ bù vào giá cắt lỗ. Bán được đất, anh sẽ "trắng tay".

Với tình cảnh hiện tại, anh gần như không có lối thoát. Hiện tại, anh đã quay trở lại với nghề chụp ảnh để kiếm thêm thu nhập "gồng" các khoản vay.

"Giờ tôi chỉ biết chờ vào thị trường sôi động trở lại, nhưng điều đó thật khó cải thiện một sớm một chiều được. Các lô đất tôi đầu tư chung hiện tại vẫn bị bỏ hoang và bài học của tôi phải trả phí rất lớn", anh Thành nói.

Câu chuyện của anh Thành là một trường hợp cụ thể, nhưng không phải khó gặp trong bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều biến động như thời gian qua.

Theo một chuyên gia là CEO của một doanh nghiệp bất động sản, các nguyên tắc đầu tư như: không bỏ hết trứng vào một giỏ, tìm hiểu pháp lý kỹ càng sẽ giúp hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần giữ được "cái đầu lạnh" trong mọi tình huống, tránh đầu tư dưới sự ảnh hưởng của "tâm lý đám đông" dẫn đến nguy cơ bị thao túng tâm lý, ra quyết định đầu tư một cách cảm tính.

Với những nhà đầu tư F0 (mới gia nhập thị trường), nếu chưa có đủ dữ liệu cần thiết, hãy kiên nhẫn bỏ thời gian tìm hiểu nhiều hơn. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm