Miền quê Nhật Bản tặng nhà miễn phí cho dân thành phố hồi hương

Mai Nâu

(Dân trí) - Tác động từ đại dịch Covid-19 cũng như biến động kinh tế đã khiến nhiều người dân Nhật rời thành phố, trở lại những thị trấn tưởng như đã bị lãng quên bởi nhịp sống công sở hiện đại.

Bryon và Kaori Nagy từng sống theo lối sống cơ bản của công chức Tokyo: làm việc trong nhiều giờ, ăn tối đắt đỏ, đi uống cùng các cặp đôi khác. Với Bryon "đây là lối sống hoang phí, làm việc cật lực, chi tiêu quá nhiều trong thành phố và bạn biết đấy, hưởng thụ những gì bạn có thể. Nhưng tôi dần cảm thấy bản thân già đi".

Nên vào năm 2011, gia đình Nagy đã có một quyết định trọng đại. Họ chuyển tới vùng ngoại ô tỉnh Yamanashi và định cư tại một ngôi làng nhỏ, nơi những con phố còn vẹn nguyên cảm giác yên bình với những căn nhà trống.

Miền quê Nhật Bản tặng nhà miễn phí cho dân thành phố hồi hương - 1

Chính quyền Nhật Bản khuyến khích người dân tới sống ở những thị trấn bị giảm thiểu dân số. Ảnh: Sebastian Stein

Ở Nhật, 98,1% dân số sống tại các thành phố. Những ai tìm kiếm cuộc sống nông thôn yên tĩnh, thoáng đãng thì các thị trấn ngoại ô sẽ là nơi lý tưởng. Đại dịch Covid-19 cũng khiến một số lượng không nhỏ dân cư dịch chuyển từ các thành phố. Nhưng việc từ bỏ những tiện nghi và lối sống thành thị để chuyển về với sự tách biệt và hạn chế ở thị trấn là một quyết định không đơn giản.

"Ban đầu tôi không thực sự muốn sống ở ngoại ô", Kaori thừa nhận. "Ý tôi là tất cả những đôi giày tôi có đều là cao gót và tôi mặc đồ công sở cả ngày. Lúc đầu, tôi thường đi tới Tokyo vì chưa thực sự thích ứng với cuộc sống nơi đây. Nhưng qua một thời gian, chúng tôi chẳng còn muốn đi tới đó nữa".

Bước ngoặt khiến Kaori thay đổi là thảm họa động đất, sóng thần kép năm 2011. Lúc đó, khi Fukushima hứng chịu tàn phá thì các thành phố và thị trấn toàn quốc rơi vào tình trạng thiếu hụt thức ăn, chìm trong hoảng loạn bởi khả năng nhiễm độc phóng xạ.

"Vụ động đất tác động mạnh tới tôi" Kaori nói. "Nó khiến tôi giật mình và nghĩ rằng có thể đã tới lúc nghĩ về điều gì khác. Phương án rời khỏi Tokyo là điều tôi chưa từng nghĩ cho tới tận lúc đó".

Căn nhà mới của cả gia đình - bao gồm cả 3 đứa trẻ - cách Tokyo 2 giờ đi xe, nhưng có cảm giác như tách biệt cả thế giới. Nơi đây là sự kết hợp giữa một khu nghỉ dưỡng sinh thái, trước có tên Akiyama, cùng một làng lớn hơn có tên Uenohara sau khi dân cư giảm thiểu.

Hàng thập kỷ qua, Nhật Bản đã tin rằng những người dân như Bryon và Kaori sẽ thổi luồng sức sống mới cho những thị trấn đang héo mòn. Hiện nay, những địa điểm giảm thiểu dân số này đã nhiều tới nỗi chính quyền địa phương sẵn sàng tặng nhà miễn phí cho bất cứ ai muốn tới ở.

Miền quê Nhật Bản tặng nhà miễn phí cho dân thành phố hồi hương - 2

Anh Bryon Nagy và con trai tại trang trại ở Kanagawa. Ảnh: Sebastian Stein

Đại dịch đã khiến nhiều người có quyết định tương tự. Ở Tokyo trong 3 tháng qua, lượng người chuyển dịch ra khỏi thành phố đã vượt qua lượng người chuyển tới. Đây là lần đầu tiên có tình trạng này kể từ năm 2013.

Tại Yokohama, cơn khủng hoảng Covid-19 mang đến cả thách thức và cơ hội cho Jason Swindle. Anh là một giáo viên tiếng Anh đang sống cùng vợ Yoko và con gái trong căn hộ 73m2. Trước đại dịch, cả Jason và Yoko đi tới công ty mất 90 phút bằng những chuyến tàu đông đúc.

Là một nhân viên thiết kế đồ họa, Yoko đã làm việc tại nhà từ khi đại dịch bùng phát, còn Jason hiện chỉ tới Tokyo nửa tuần và nửa tuần còn lại làm việc ở nhà. Đối với giới cổ cồn trắng như Yoko và Jason, trạng thái làm việc tại nhà đã mở ra cơ hội được sống tại những nơi rẻ hơn, rộng hơn ở vùng ngoại ô.

"Covid đã khiến tôi nghĩ tới khả năng tới sống tại vùng ngoại ô" Yoko chia sẻ. "Tôi có thể sống ở bất cứ đâu miễn là có laptop và wifi".

Cặp đôi đang nhắm tới một trang trại khá lớn ở Uenohara, ngay dưới con phố gia đình Nagy đang sống. Nơi đó có mức giá chỉ 300 USD một tháng nhưng rộng gấp 3 lần căn hộ họ đang sống ở Yokohama.

Chồng Yoko là người thúc đẩy mạnh nhất quyết định này. Đại dịch và sự thay đổi trong cuộc sống mà nó đem lại đã khiến Jason phải suy nghĩ nhiều về những ước mơ và hoài bão anh đã từng trì hoãn.

"Corona ập tới, khiến nhiều người Nhật nói chung và đối với tôi nói riêng gợi lên những câu hỏi sâu sắc, ví như 'tại sao tôi ở đây?' và 'tôi sống vì điều gì?'. Nó đã tạo nên môi trường khiến những cá nhân như tôi hiểu rằng đã đến lúc phải thúc đẩy bản thân và làm điều mình muốn ngay lập tức mà không phải là một lúc nào đó trong tương lai".