Từ khoảng ban công trống trải, nóng nực vào mùa hè với diện tích nhỏ 8m2, chị Thu Thủy đã lên kế hoạch cải tạo thành vườn rau, cây trái xanh mát.
Gia đình chị Thủy đang sinh sống tại Đức, thời tiết ở đây khá lạnh nên thời điểm thích hợp nhất để gieo trồng, làm vườn là vào cuối tháng 2 - đầu tháng 3, khi những đợt tuyết cuối cùng bắt đầu tan. Ban đầu, chị dọn dẹp ban công, cọ sàn, dọn đất, nhổ cỏ, sau đó đo và vẽ sơ đồ trồng rau để tối ưu hoá diện tích. Do thời tiết ở Đức khá lạnh và phải cuối tháng 5 trời mới ấm dần nên chị mua nhà kính mini để hỗ trợ cho việc gieo hạt sớm. Ban công được thiết kế thành vườn nâng làm từ chất liệu gỗ, vừa đẹp mắt, gọn gàng, giúp cây cối phát triển tốt mà lại dễ xử lý đất, tránh ốc sên,… không phải “còng lưng” khi gieo hạt, thu hoạch, nhổ cỏ,….. Một số thùng gỗ có sẵn được tái sử dụng để trồng cây, lấp đầy khoảng trống. Dưới đáy thùng có nhiều khe thoát nước để đảm bảo thông thoáng và tránh ngập úng. Chị lót một lớp màng bọc bên trong, chọn các loại sơn/ dầu thân thiện với môi trường để bảo vệ, tăng tuổi thọ của gỗ và đảm bảo không gây hại tới sức khỏe con người.
Phân bón cho cây được làm từ rác hữu cơ trong bếp, vừa giúp không gian bếp hết mùi mà lại không phí rác thải. Chỉ cần thái nhỏ đồ thừa, ép chặt, xịt men vi sinh, rắc cám Bokashi và đóng chặt sau mỗi lần dùng. Trong mỗi thùng trồng cây, chị Thủy phủ một lớp đá (Tongranulat) ở dưới đáy, tăng cường khả năng thoát nước. Sau đó trộn lẫn đất và phân bón đã ủ từ thùng Bokashi thật đều tay để tơi phân bón rồi phủ một lớp đất thật dày lên trên để che kín hoàn toàn hỗn hợp đất và Bokashi. Đậy hoặc bọc lại, tiếp tục ủ ít nhất 2 tuần rồi mới gieo trồng.
Chị chọn mua loại đất trồng cây thay vì đất trồng hoa. “Đất trồng hoa sẽ ức chế cây, khiến cây sớm ra hoa, ví dụ như các loại cải mà ra hoa sớm là coi như lứa đó chỉ có thể dùng để làm thu hạt giống”, chị Thủy chia sẻ.
Với thời tiết ở Đức, để có thể thu hoạch sớm vào tháng 7,8 thì cũng cần phải gieo hạt sớm vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4. Năm đầu tiên, chị ưu tiên chọn các loại cây dễ trồng, đảm bảo chắc chắn được thu hoạch như: các loại cà chua, các loại xà lách, rau thơm, rau cải, đỗ, bí ngòi, dưa chuột,… Một số loại cây chị phải gieo trong nhà hay đặt ở nhà kính mini với chế độ theo dõi đặc biệt, còn một số cây khác có thể gieo thẳng ở ngoài trời. Ban công phố thị mùa hè siêu nóng nên chị che phủ đất để giữ nước. Khi được thực hiện đúng cách, lớp phủ sẽ cắt giảm thời gian cần thiết để tưới nước, làm cỏ và chống lại sâu bệnh, giúp cây, rau và hoa phát triển tốt hơn. Để hạn chế rệp mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, chị sử dụng một số loại dung dịch hỗn hợp như nước tỏi, nước lá tầm ma hay neem oil để xịt lên cây cối trong vườn. “Mình xịt nước lên lá để làm trôi hết lũ bọ ra hẳn chỗ khác và bắt thêm bằng tay nếu nhìn thấy. Thậm chí, cắt tỉa bớt những cành, lá đã bị hư hỏng hoặc quá yếu, sau đó mới xịt nước. Không nên áp dụng cùng lúc mà phải luân phiên, cách tuần để không gây ảnh hưởng tới cây mà lại ngăn chặn được rệp”, chị Thủy cho hay.
Khi cây bắt đầu tăng trưởng mạnh, đặc biệt là lúc bắt đầu ra hoa thì bổ sung thêm phân bón. Có thể tưới nước lấy từ thùng phân ủ Bokashi, pha tỉ lệ 1:50 với nước rồi tưới cho cây. Với một số loại cây thân leo như dưa chuột, đỗ, bầu, bí,…. thì chị Thủy làm giàn đỡ từ các que tre, thanh gỗ, hoặc làm giàn dạng lưới với các loại cây cho quả nhỏ như dưa chuột mini, mướp bao tử,…
Sau 5 tháng, từ khoảng ban công bỏ không, chị Thủy đã cải tạo thành khu vườn xanh mát với nhiều loại rau, cây trái tươi tốt. Không chỉ thỏa mãn đam mê “làm nông”, giúp gia đình có thêm nguồn thực phẩm sạch mà chị còn cảm thấy tràn đầy năng lượng sống khi ngắm nhìn khu vườn xanh tốt mỗi ngày.