1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Mâu thuẫn tại chung cư, chủ đầu tư cắt điện, nước của cư dân

(Dân trí) - Khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra và chưa giải quyết được, một số chủ đầu tư đã cắt dịch vụ, thậm chí cả điện, nước của cư dân khiến người mua nhà bức xúc.

Cắt điện, nước: "Vũ khí" của chủ đầu tư khi có mâu thuẫn?

Dù ở ngay giữa Thủ đô, cư dân chung cư Capital Garden (Minh Khai, Hà Nội) do Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô (Kinh Đô TCI) làm chủ đầu tư đã phải sống 5 năm trong cảnh không có Ban quản trị. Không những vậy, do những vi phạm trong xây dựng và chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC), nên ngay cả việc ký hợp đồng mua bán điện, nước cũng không được.

Mâu thuẫn tại chung cư, chủ đầu tư cắt điện, nước của cư dân - 1

Chủ đầu tư có vi phạm, người dân chung cư Capital Garden không được ký hợp đồng điện nước.

Theo cư dân sinh sống tại đây, phía điện lực phải tạo điều kiện cho cư dân ký hợp đồng tạm thời theo năm để đảm bảo duy trì điện sinh hoạt. Với nước sạch, cư dân vẫn phải mua qua chủ đầu tư. Mọi thứ vẫn cứ "treo" như vậy suốt 5 năm qua. Thậm chí, phí dịch vụ, vệ sinh, gửi xe cư dân cũng không thể đóng cho một đơn vị quản lý chính thống.

Trước đó, cho hay chủ đầu tư không đáp ứng được những quyền lợi chính đáng nên người dân kiên quyết không đóng các khoản phí dịch vụ, gửi xe. Chủ đầu tư cũng chấp nhận việc các hộ không đóng tiền và vẫn duy trì việc vận hành tòa nhà.

Thế nhưng, một hộ dân ở đây nói cứ một thời gian, chủ đầu tư lại cắt dịch vụ điện, nước hoặc không cho cư dân gửi xe. Người dân phải tụ tập phản đối thì mọi việc mới yên ổn trở lại. 

Mới đây, tại dự án Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư do chưa tìm được tiếng nói chung, một số cư dân đã treo băng rôn trong  nhà để phản đối vì chưa hài lòng với tiện ích mà chủ đầu tư cung cấp.

Song, sau khi treo được vài ngày, phía chủ đầu tư đã yêu cầu cư dân phải tháo gỡ, nếu không sẽ cắt dịch vụ như điện, nước của hộ dân. Theo phản ánh, một vài hộ dân đã bị cắt điện, có hộ bị cắt điện giữa đêm nóng. Phải đến khi họ khi đồng ý gỡ băng rôn, phía chủ đầu tư mới mở lại dịch vụ.

Mâu thuẫn tại chung cư, chủ đầu tư cắt điện, nước của cư dân - 2

Cư dân dự án treo băng rôn trong nhà để phản đối chủ đầu tư bị tạm dừng cấp điện.

Nhiều cư dân cho rằng dù trong hợp đồng có điều khoản nếu treo băng rôn, banner, áp phích phía ngoài căn hộ làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung sẽ bị cắt dịch vụ, nhưng họ treo phía trong nhà nên việc bị cắt điện là chưa đúng. 

Không bị cắt điện nhưng cư dân sinh sống tại chung cư 6th Element do Công ty CP Xây dựng và Thương mại Bắc Hà làm chủ đầu tư lại bị cắt nước giữa mùa hè nóng nực. Theo đó, từ ngày 11/5, theo phản ánh từ cư dân, một loạt căn hộ thuộc tầng 9, 12A, 22, 25 của tòa D1 đã xảy ra hiện tượng mất nước.

Mâu thuẫn tại chung cư, chủ đầu tư cắt điện, nước của cư dân - 3

Một số cư dân tại chung cư 6th Element tạm thời bị cắt nước do chưa chịu đóng phí dịch vụ.

Dù đã yêu cầu bộ phận kỹ thuật của tòa nhà đã kiểm tra, cư dân cho hay không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ bộ phận kỹ thuật thuộc Ban quản lý. Sau sức ép của tập thể cư dân, phía kỹ thuật đã kiểm tra và không phát hiện sự cố.

Theo anh Cường - một cư dân sinh sống tại đây - việc cắt nước không phải do sự cố mà là do mâu thuẫn về thu phí dịch vụ 12.700 đồng/m2 (trên hợp đồng là 13.000 đồng/m2). Khách hàng cho rằng, dự án này còn rất nhiều hạng mục tiện ích chưa có như cam kết hoặc có tiện ích nhưng khác xa so với quảng cáo của chủ đầu tư.

Nhiều hộ phản đối ban quản lý nên thống nhất chưa đóng tiền dịch vụ. Đặc biệt, với các căn hộ cho thuê, Ban quản lý cắt dịch vụ với lý do họ có thể ra đi bất cứ lúc nào nên phải thu sớm.

Không phải đến khi những vụ việc trên xảy ra, trước đó, chuyện chủ đầu tư một số dự án đang dùng việc cắt điện, nước như một loại "vũ khí" để "đấu tranh ngược" với cư dân chung cư diễn ra tương đối phổ biến. 

Năm ngoái, nhiều hộ dân sống trong chung cư Thống Nhất Complex kéo xuống mặt tiền tòa nhà căng băng rôn, biểu ngữ phản đối Ban quản lý tòa nhà cắt nước của các hộ dân giữa những ngày Hà Nội nắng nóng tháng 6 cao điểm. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Thống Nhất Bắc Việt thời điểm đó cho biết đơn vị này đã cắt nước của hơn chục hộ dân sống trong tòa nhà 82 Nguyễn Tuân do các hộ dân tại đây đã không đóng tiền dịch vụ gần một năm. Tuy nhiên, cư dân cho biết làm như vậy là để đề nghị chủ đầu tư ngồi lại đối thoại với cư dân về phần diện tích căn hộ chưa được minh bạch.

Mâu thuẫn tại chung cư, chủ đầu tư cắt điện, nước của cư dân - 4

Chủ đầu tư dự án 6th Element mua can cho cư dân tự đi lấy nước sinh hoạt.

Ai sai, ai đúng?

Theo luật sư Nguyễn Thị Thanh Nga, Đoàn luật sư Hà Nội, nếu người dân trực tiếp ký hợp đồng với điện lực quận hoặc huyện nơi sinh sống thông qua Hợp đồng mua bán căn hộ và Căn cước công dân (hoặc Chứng minh thư nhân dân) thì chủ đầu tư cắt điện của cư dân là hoàn toàn sai. Cũng theo vị luật sư này, người mua nhà nên nêu ý kiến trong quy chế hoạt động nhà chung cư, khi Hội nghị nhà chung cư được tổ chức.

"Tuy nhiên, cư dân nên hoàn thành nghĩa vụ tiền điện, nước, phí gửi xe. Bởi nếu không đóng tiền, chủ đầu tư sẽ cắt điện, nước theo đúng Thông tư 02 của Bộ Xây dựng", luật sư Nga nói và chia sẻ thêm, chủ đầu tư có thể cắt điện nếu cư dân không đóng phí và chưa làm hợp đồng với điện lực quận hoặc huyện nơi sinh sống.

Trong trường hợp chung cư tại Đông Anh kể trên, theo lời luật sư này, nếu chủ đầu tư cắt điện của cư dân dựa trên điều khoản "không được treo băng rôn phía mặt ngoài của tòa nhà trong hợp đồng" là chưa đúng. Bởi người dân đã treo băng rôn trong nhà, không treo mặt ngoài.

Riêng với việc cắt nước khi cư dân không đóng tiền dịch vụ điện nước, luật sư Nga chia sẻ, tại một số chung cư, đường ống của chủ đầu tư, cư dân không thể ký hợp đồng trực tiếp với nhà máy nước. Vì thế, chủ đầu tư cũng có thể dừng cung cấp dịch vụ nếu cư dân không đóng phí.

Do đó, theo bà Nga, nếu muốn đấu tranh với chủ đầu tư, cư dân có thể không đóng phí dịch vụ nhưng vẫn nên hoàn thiện tiền điện, nước. 

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, chung cư ở Việt Nam ngày càng nhiều nhưng việc xây dựng cũng như phổ biến, tuyên truyền "văn hóa chung cư" chưa được triển khai thường xuyên. Do đó, bên cạnh việc ban hành các quy định, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cũng nên thúc đẩy hoạt động tuyên truyền, xây dựng văn hóa chung cư nhằm hạn chế những tranh chấp kéo dài không đáng có.

Thông tư 02 của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư quy định trường hợp chủ sở hữu, người sử dụng không đóng góp khoản kinh phí này thì đơn vị quản lý vận hành được áp dụng chế tài tạm ngừng cung cấp các dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư (do mình cung cấp) hoặc đề nghị đơn vị cung cấp điện, nước... cho nhà chung cư tạm ngừng cung cấp các dịch vụ này.

Trường hợp xảy ra tranh chấp, vi phạm hợp đồng thì được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.