Mặt bằng bán lẻ khổ vì dịch: Giá ở Hà Nội vẫn nhích, tại TPHCM giảm mạnh

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - JLL Việt Nam vừa công bố báo cáo sơ lược tình hình thị trường bán lẻ tại Hà Nội vừa TPHCM trong quý II năm nay với chủ đề về làn sóng Covid-19 lần thứ tư và cơ vấn đề phục hồi của thị trường.

Hà Nội: Vài thương hiệu trả mặt bằng, nhiều trung tâm thương mại hoãn khai trương

Theo báo cáo, thị trường bán lẻ Hà Nội khá im ắng trong quý này do không có nguồn cung mới nào gia nhập thị trường. Tình hình dịch bệnh phức tạp cùng với chính sách giãn cách xã hội đã khiến một vài trung tâm thương mại phải hoãn kế hoạch khai trương đến nửa cuối năm.

Vì vậy, tổng nguồn cung của thị trường bán lẻ Hà Nội giữ ổn định tính đến quý II đạt 962.000 m2 sàn cho thuê ở các trung tâm thương mại.

Mặt bằng bán lẻ khổ vì dịch: Giá ở Hà Nội vẫn nhích, tại TPHCM giảm mạnh - 1

Cảnh đìu hiu tại một trung tâm thương mại giữa mùa dịch.

Theo thống kê, đa số các trung tâm thương mại trọng điểm tại Hà Nội ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trên 90%, tỷ lệ trống giữ ở mức 9,4% tính đến hết quý II.

Tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến các giao dịch mới trong quý này chủ yếu là các giao dịch nhỏ và vừa và phần lớn diễn ra tại khu vực trung tâm (bao gồm các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng).

Chính vì vậy, tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm thương mại ở khu vực này tăng nhẹ 0,4% theo quý, và đạt 88,4% trong quý II.

Mặt bằng bán lẻ khổ vì dịch: Giá ở Hà Nội vẫn nhích, tại TPHCM giảm mạnh - 2

Chủ nhà cần phải thay đổi chính sách giá và hỗ trợ khách thuê nhiều hơn.

Trái lại, tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm thương mại tại khu vực ngoài trung tâm (bao gồm tất cả các quận huyện ngoại trừ các quận thuộc khu vực trung tâm) đạt 90,9%, giảm nhẹ 0,1% theo quý do một vài thương hiệu trả lại mặt bằng.

Thực tế, các giao dịch trong quý II cho thấy thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn duy trì sức hút đối với các thương hiệu nước ngoài. Còn giá thuê trung bình của các trung tâm thương mại trọng điểm tại Hà Nội đạt 32,25 USD/m2/tháng (tương đương với 742.000 đồng), tăng 1,1% theo quý.

Trong đó, ở khu vực trung tâm là 62,8 USD/m2/tháng (tương đương với 1.445.000 đồng) và không thay đổi tại khu vực ngoài trung tâm với 28,6 USD/m2/tháng (tương đương với 658.000 đồng).

"Một số chủ nhà đang áp dụng chính sách miễn tiền thuê hoặc giảm giá theo mức độ ảnh hưởng để hỗ trợ các nhóm khách hàng chịu thiệt hại nặng, thông thường là ngành hàng ăn uống và vui chơi - giải trí", trích báo cáo. 

Triển vọng nửa cuối năm nay, đơn vị đưa báo cáo dự báo thị trường bán lẻ Hà Nội sẽ chào đón 76.165 m2 sàn cho thuê. Việc khai trương các trung tâm bán lẻ trong năm 2021 đã bị trì hoãn nhiều lần do đại dịch và vì vậy sẽ còn tùy thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong sáu tháng tới. Giá thuê được dự kiến sẽ giữ ổn định đến cuối năm và được kỳ vọng sẽ hồi phục từ năm 2022 sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

TPHCM: Trung tâm thương mại miễn giảm tiền thuê 

Trong khi đó tại TPHCM, theo đơn vị nghiên cứu, thành phố bắt đầu giãn cách xã hội từ ngày 30/5, trong đó các trung tâm bán lẻ ngừng phần lớn hoạt động, ngoại trừ các cửa hàng kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được phép mở cửa.

Vì vậy, mặc dù đã hoàn thành xây dựng, một số trung tâm thương mại tiếp tục trì hoãn kế hoạch khai trương tới cuối năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid. Tổng nguồn cung bán lẻ trung tâm thương mại toàn thị trường TPHCM tính đến quý II đạt 1.086.000 m2.

Làn sóng Covid-19 mới nhất xảy ra vào tháng cuối của quý, do đó, theo JLL, tỷ lệ trống của thị trường bán lẻ chưa có nhiều biến động, ở mức lần lượt 2,9% và 4,1% tại khu vực trung tâm (quận 1) và ngoài trung tâm (các quận huyện ngoài quận 1).

"Trong khi hầu hết các chủ nhà vẫn chưa tuyên bố các kế hoạch cấu trúc khách thuê hay mặt bằng thuê vì những biến động chưa chắc chắn của đại dịch, khách thuê cũng áp dụng chiến lược chờ đợi để thích ứng", trích báo cáo. 

Tương tự thời điểm làn sóng dịch bùng phát vào quý II/2020, hầu hết các trung tâm thương mại có chủ trương miễn giảm tiền thuê cho khách thuê, áp dụng cho giai đoạn giãn cách toàn xã hội trong suốt tháng 6.

Chính vì vậy, giá thuê trung bình thực tế (chưa bao gồm VAT và phí quản lý) giảm 8,3% theo quý, với 70,4 USD/m2/tháng (tương đương với 1.620.000 đồng/m2/tháng) ở khu vực trung tâm và 31,7 USD/m2/tháng (tương đương với 730.000 đồng/m2/tháng) ở khu vực ngoài trung tâm.

Mặt bằng bán lẻ khổ vì dịch: Giá ở Hà Nội vẫn nhích, tại TPHCM giảm mạnh - 3

Mặt bằng nằm ngay ngã sáu Phù Đổng (quận 1) được chào thuê với giá hơn 500 triệu đồng/tháng nhưng suốt thời gian dài chưa có khách "chốt" (Ảnh: Đại Việt).

Tương lai của thị trường bán lẻ TPHCM phụ thuộc rất nhiều vào kết quả kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới. Các nhãn hàng nội địa sẽ tiếp tục gánh chịu nhiều tổn thất nhất và khó lòng trụ vững nếu dịch bệnh kéo dài do áp lực tài chính lớn và đầu ra phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu nội địa.

Trong khi đó, các thương hiệu nước ngoài mặc dù có thể vẫn tiếp tục kế hoạch dài hạn nhưng sẽ hạn chế hoặc trì hoãn các dự án mở rộng trong ngắn hạn. Điều này sẽ tiếp tục dẫn tới sự trì hoãn trong kế hoạch khai trương các trung tâm bán lẻ mới trong năm 2021 bao gồm trung tâm thương mại Socar Mall và các trung tâm thương mại ở khối đế các dự án hỗn hợp do không đạt được tỷ lệ lấp đầy yêu cầu.

Đối với các trung tâm thương mại hiện hữu, trong 6 tháng tới, một số chủ nhà dự kiến sẽ có những đợt cơ cấu lại khách thuê và mặt bằng thuê nhằm tạo ra bộ mặt mới sau khi mở cửa trở lại sau dịch.

Trong khi đó, giá thuê thực tế dự kiến duy trì ổn định hoặc tiếp tục giảm do chính sách miễn giảm tiền thuê tiếp tục áp dụng trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài nếu đại dịch chưa được kiểm soát.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm