Giá nhà đất TPHCM vẫn leo cao dù cầu chậm lại: Nơi nào tăng mạnh nhất?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Báo cáo công bố của các tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản đều cho thấy, thị trường nhà liền thổ TPHCM tiếp tục ghi nhận mức giá tăng mạnh.

Giá nhà đất TPHCM vẫn leo cao dù cầu chậm lại: Nơi nào tăng mạnh nhất? - 1

Thị trường nhà đất TPHCM tiếp tục ghi nhận mức giá tăng mạnh.

Theo báo cáo quý II vừa công bố của JLL Việt Nam, lượng mở bán nhà liền thổ mới của khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận đạt 1.843 căn.

Trong đó, nguồn cung mới ở TPHCM vẫn còn hạn chế với chỉ 173 căn được tung ra trong quý và chủ yếu đến từ các dự án nhà phố quy mô nhỏ ở Tân Phú và quận 12.

Tại tỉnh Đồng Nai ghi nhận lượng mở bán mới cao nhất, chiếm 50,3% nguồn cung mới quý này với 927 căn, bỏ xa tỉnh đứng thứ hai là Bà Rịa - Vũng Tàu với 504 căn.

Tuy nhiên, hầu hết lượng mở bán này đã diễn ra trước khi làn sóng Covid-19 thứ tư tác động đến khu vực miền Nam, vốn đã khiến nhiều sự kiện mở bán bị dời lại.

Cũng theo JLL, nhu cầu ổn định, nhưng đã có dấu hiệu chậm lại, tổng lượng nhà ở bán của toàn khu vực đạt 1.781 căn, giảm nhẹ 8,8% so với quý trước. Tương ứng với nguồn cung hạn chế, TPHCM chỉ ghi nhận 183 căn nhà giao dịch thành công.

Tương tự, Bình Dương và Long An chỉ ghi nhận lượng bán ở mức hơn 100 căn ở mỗi tỉnh, trong khi đa phần các căn nhà bán thành công đến từ các dự án tích hợp quy mô lớn ở Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, lần lượt đạt 865 căn và 500 căn.

Tuy nhiên, hầu hết giao dịch đã diễn ra vào tháng 4 và đầu tháng 5. Đợt dịch lần thứ tư ngăn trở các hoạt động đi thực tế dự án, phần nào đã làm giảm số lượng giao dịch vào cuối quý III, JLL cho biết.

Theo báo cáo của JLL, trong quý II, giá bán sơ cấp trung bình của nhà liền thổ thị trường TPHCM và các tỉnh lân cận đạt 2.849 USD/m2 (tương đương 65,5 triệu đồng). Thị trường tiếp tục ghi nhận mức giá tăng mạnh, với mức tăng 15,9% theo năm và 7,9% theo quý.

JLL cho biết, mức tăng này chủ yếu đến từ các dự án quy mô lớn ở TP Thủ Đức, Đồng Nai và Long An, và những dự án nằm ở khu vực có mật độ đô thị hóa cao như ở Bình Dương.

Báo cáo của Savills trước đó cũng cho thấy thực trạng phân khúc biệt thự nhà phố TPHCM còn khan hiếm nguồn cung sơ cấp. Nguồn cung mới ngày càng khan hiếm và tiếp tục tập trung tại các quận ngoại thành. Lượng giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 500 căn, giảm 51% theo năm.

Savills cho biết, nguồn cung sơ cấp hạn chế thúc đẩy giá bán trên thị trường thứ cấp tăng. Trong quý II năm nay, giá thứ cấp trung bình từ giỏ hàng cố định đã tăng 13% theo năm.

Trong đó, quận 7 có mức tăng cao nhất với 20% theo năm, tiếp theo là các quận 9, Nhà Bè, quận 2, và Gò Vấp, tăng từ 13% đến 19% theo năm.

Triển vọng nguồn cung tương lai đến 2023 của thị trường nhà liền thổ dự kiến đạt 9.700 căn/nền. Thành phố Thủ Đức chiếm phần lớn với 32% thị phần, tiếp theo là Bình Chánh chiếm 24%. Giai đoạn 2021-2030, TPHCM dự kiến thành lập năm quận từ các huyện ngoại thành: Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ.

Các quận/huyện với quỹ đất trống lớn sẽ trở thành tâm điểm phát triển bất động sản nhà ở trong thời gian tới. Quy hoạch nhà ở TPHCM đến 2030 đang ưu tiên phát triển nhà ở cao tầng, nguồn cung nhà thấp tầng dự kiến sẽ tiếp tục khan hiếm.