Lời nhắn nhủ doanh nghiệp địa ốc: Đừng chộp giật, đừng kiếm 10 để chi 5 thoát tội còn 5 “đút túi”

(Dân trí) - "Đừng nghĩ đến chuyện chộp giật, kiếm lợi 10 để chi 5 cho thoát tội còn 5 “đút túi”. Đã qua giai đoạn tích lũy ban đầu, chúng ta cần một đội ngũ doanh nhân chuyên nghiệp để xây dựng một thị trường bất động sản chuyên nghiệp", ông Đặng Hùng Võ nhắn nhủ.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2019), Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông Võ được biết đến là một chuyên gia kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, có nhiều đóng góp cho ngành quản lý đất đai Việt Nam.

Lời nhắn nhủ doanh nghiệp địa ốc: Đừng chộp giật, đừng kiếm 10 để chi 5 thoát tội còn 5 “đút túi” - 1
Quá trình đô thị hoá đang tiếp tục diễn ra mạnh, và do đó rất cần sự phát triển của doanh nghiệp bất động sản.

Là chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, có một thời gian dài gắn bó với hoạt động doanh nghiệp trong lĩnh vực này, ông đánh giá như thế nào về vai trò của các doanh nghiệp địa ốc đối với nền kinh tế nói chung. Có ý kiến cho rằng nền kinh tế khó phát triển bền vững nếu chỉ trông chờ vào sự phát triển của các “ông lớn” địa ốc, ông nghĩ sao?

Một thực tế rất tích cực, đó là hiện nay chúng ta đã có khá nhiều doanh nghiệp bất động sản chuyên nghiệp, họ có đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại, có khả năng phát triển các phân khúc bất động sản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cuộc sống thực tế, có được lòng tin của khách hàng. Những sai trái trong lĩnh vực địa ốc thời gian qua cũng đang được dần siết lại.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những doanh nghiệp làm sai pháp luật để tạo lợi ích riêng, làm cho thị trường bất động sản méo mó, xấu xí. Điển hình nhất gần đây nhất là Địa ốc Alibaba… 

Đây chỉ là một ví dụ về việc cố tình vi phạm pháp luật để tìm kiếm lợi ích riêng, những vụ việc như vậy cần được xử lý hình sự thật mạnh tay.

Nhìn chung, cũng như bao lĩnh vực khác, có những mặt được và chưa được đối với thị trường bất động sản. Nhìn ở góc độ tích cực, những “mặt được” đang dần ngày càng nhiều lên. Như tôi nói trên, đó tính chuyên nghiệp cao dần hơn ở nhiều doanh nghiệp.

Nếu tính tổng vốn đầu tư, kinh tế bất động sản hiện vẫn chưa đến mức vượt quá 30% tổng giá trị vốn đầu tư cũng như tổng giá trị hàng hóa cung ra thị trường. Tôi nghĩ, theo kinh tế học thì tỷ lệ 30% chưa là gì đáng quan ngại, nhất là đô thị hóa ở Việt Nam đang ở mức độ còn quá thấp. 

Quá trình đô thị hoá vẫn đang diễn ra rất mạnh, do đó rất cần sự phát triển của doanh nghiệp bất động sản chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tôi đồng tình cho rằng nền kinh tế khó có thể phát triển bền vững khi chỉ trông chờ vào sự phát triển của thị trường bất động sản mà không tập trung trọng tâm vào khu vực sản xuất các hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Bất động sản được kinh tế học liệt vào khu vực thị trường vốn, chứ không phải là khu vực sản xuất hàng hoá. Vì vậy, cần phải giữ nó với vai trò bảo đảm hạ tầng vốn để phát triển kinh tế sao cho cân đối .

Lời nhắn nhủ doanh nghiệp địa ốc: Đừng chộp giật, đừng kiếm 10 để chi 5 thoát tội còn 5 “đút túi” - 2

GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với các doanh nghiệp bất động sản hồi tháng 4/2019, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục “kêu” thủ tục rườm rà, khó khăn tiếp cận nguồn vốn… Thậm chí, ngay lãnh đạo chính quyền TP cũng cho biết đang rất áp lực trước tình trạng nhiều cán bộ sợ trách nhiệm đến mức không dám làm việc… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Ông nghĩ sao về câu chuyện những khó khăn mà các doanh nghiệp bất động sản đã và đang gặp phải? 

Doanh nghiệp vẫn kêu thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian thực hiện, thậm chí cả những ách tắc không đáng có… Tất cả những vấn đề này đang là rào cản cho phát triển, phát sinh do pháp luật được xây dựng thiếu chuyên nghiệp, thể chế quản lý cũng thiếu chuyên nghiệp. Nói chung, cách thức quản lý phát triển ở ta vẫn bị chia cắt theo ngành, thiếu tính hệ thống, đồng bộ và nhất quán trong hoàn cảnh nguy cơ tham nhũng khá cao.

Trình tự, thủ tục phê duyệt dự án kéo quá dài, làm cho doanh nghiệp bị ứ đọng vốn đầu tư ban đầu, lãng phí công sức, tiền bạc và cả cơ hội kinh doanh, thậm chí tâm lý bị rơi vào "trầm cảm".

Hiện nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, các doanh nghiệp, các chuyên gia, trong đó có tôi đã có nhiều báo cáo về các khoảng trống và các khoảng xung đột pháp luật có liên quan đến đầu tư dự án, đụng chạm tới rất nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…

Tất cả có tới vài chục điểm bất cập trong nội bộ một luật, giữa các luật, giữa luật này với văn bản hướng dẫn thi hành luật khác, trái với cả Hiến pháp nữa. Các bất cập đã được doanh nghiệp kêu ca từ lâu, chuyên gia đã chỉ ra rất cụ thể, nhưng đến nay vẫn cứ vướng, cứ dừng lại và cứ bế tắc.

Từ góc nhìn tiếp theo, phong trào chống tham nhũng lên rất cao là một điều rất mừng cho toàn dân, tạo cơ hội cho kinh tế phát triển lành mạnh với hiệu suất cao hơn, đồng thuận xã hội cũng cao hơn. Nhưng nếu không đúng phương pháp, đúng người, đúng vụ việc thì sẽ bộc lộ mặt tiêu cực của chống tham nhũng. Các cán bộ quản lý của Nhà nước sẽ "không muốn nhúc nhích", nhất là trong hoàn cảnh pháp luật chưa hoàn thiện, vì chỉ lo sợ mình bị "quy tội" vi phạm pháp luật.

Cái sai rõ ràng cần phải được xử lý nghiêm minh, ai làm sai thì phải chịu những mức độ kỷ luật thích đáng. Tuy nhiên theo ông phải làm thế nào để vừa xử được cái sai mà không làm cán bộ lo lắng, sợ không dám làm, dám quyết?

Cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng được thực hiện một cách mạnh mẽ, cho thấy sự quyết tâm của Đảng, của Nhà nước trong việc nghiêm trị những cán bộ vi phạm.

Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh việc xử lý tham nhũng phải có phương pháp đúng. Phương pháp muốn đề cập ở đây là phải bảo đảm tính minh bạch, cụ thể, công bằng, đích đáng và tránh bị kẻ xấu, thậm chí là lực lượng thù địch lợi dụng. Minh bạch là cần thiết vì mọi thông tin về tội trạng cần được công khai hoàn toàn, thật chi tiết để dân biết và giám sát.

Cụ thể là phải có các tiêu chí định lượng để quy tội tham nhũng như kẻ tham nhũng đã cho bao nhiêu tiền vào túi riêng, làm thất thoát công sản trị giá bao nhiêu tiền; gây hậu quả nghiêm trọng cũng phải được cụ thể hóa…

Xin ông nêu một số gạch đầu dòng về những khó khăn mà doanh nghiệp địa ốc tiếp tục phải đối mặt trong những tháng cuối năm 2019 và năm 2020 đang cận kề?

Đầu tiên, chính là những khó khăn về thực hiện trình tự, thủ tục hành chính với những hệ lụy nặng nề đã được đề cập ở trên. Doanh nghiệp rơi vào tình trạng trớ trêu "đi cũng dở, ở không xong".

Nhiều trường hợp vi phạm pháp luật rõ như ban ngày nhưng cơ quan quản lý, chính quyền chậm vào cuộc, chậm xử lý. Ví dụ điển hình như trường hợp Địa ốc Alibaba, địa phương xử lý rất yếu ớt mà phải Bộ Công an vào cuộc mới xong, hay các chung cư hình thành trái phép của Mường Thanh làm cho hàng nghìn hộ dân điêu đứng mà mãi mới được bắt đầu xử lý… 

Việc ngân hàng siết chặt tín dụng cho vay bất động sản đang là rào cản lớn đối với doanh nghiệp và thị trường. Cửa tiếp cận vốn hẹp lại đối với cả doanh nghiệp và người dân thế chấp tài sản để vay vốn kinh doanh bất động sản. Khi hướng theo việc bảo đảm quá an toàn cho quản lý thị trường tiền tệ thì lại làm khó thị trường bất động sản.

Đã kinh doanh thì không thể an toàn 100% được, kinh doanh là phải có rủi ro, chỉ ít hay nhiều thôi. Ai cũng giữ an toàn cho phạm vi quản lý của mình thì mọi khó khăn doanh nghiệp phải gánh chịu, thị trường sẽ không phát triển được.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản tại Việt Nam cũng còn nhiều rủi ro. Rủi ro lớn nhất lại là rủi ro pháp lý và thể chế phát triển gắn với quy hoạch, trong đó có đất đai. Pháp luật và quy hoạch chưa dẫn đường được cho phát triển bền vững.

Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, ông có đôi điều gì muốn chia sẻ, gửi gắm tới cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp địa ốc nói riêng? 

Theo thống kê, khối kinh tế tư nhân đang đóng góp 42% GDP, 53% cơ cấu vốn và 85% việc làm cho nền kinh tế. Những năm vừa qua, kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, trở thành bộ phận quan trọng trong nền kinh tế. 

Quan niệm về vai trò kinh tế tư nhân cũng đã thay đổi theo hướng tốt hơn, nâng cao hơn. Định hướng này phù hợp với quy luật thị trường. Mong rằng các doanh nghiệp cố gắng nâng cao nhận thức pháp luật, thực thi khéo pháp luật để có thể tránh mọi tổn thất không đáng có.

Còn những hành vi cố tình vi phạm để mang lại lợi ích bất chính cho mình thì cần dừng lại. Đó là sự đóng góp chung cho phát triển một nền kinh tế hiệu suất cao. 

Đừng nghĩ đến chuyện chộp giật, kiếm lợi 10 để chi 5 cho thoát tội còn 5 “đút túi”. Đã qua giai đoạn tích lũy ban đầu, chúng ta cần một đội ngũ doanh nhân chuyên nghiệp để xây dựng một thị trường bất động sản chuyên nghiệp.

Phát triển xanh và thông minh là định hướng tất yếu. Trong từng quyết định kinh doanh, doanh nhân luôn phải lưu tâm tới tư duy "bao nhiều phần của quyết định sẽ đóng góp làm xanh hơn và thông minh hơn”.

Cụ thể hơn, chung cư này hay khu công nghiệp kia sẽ giảm được bao nhiêu năng lượng tiêu thụ, sẽ gần hơn được bao nhiêu với thiên nhiên, sẽ làm tốt hơn bao nhiêu cho sức khỏe con người, hệ thống quản lý tự động sẽ giảm được bao nhiêu chi phí... 

Sự phát triển đất nước luôn nhờ vào động lực chính từ doanh nghiệp và doanh nhân!

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm