Loạt "ông lớn" địa ốc thay đổi chiến lược, chạy dạt về tỉnh

Khi thị trường bất động sản TPHCM “đứng hình” với giá cao giao dịch trầm lắng, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc đua nhau chạy về các tỉnh để phát triển dự án.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc doanh nghiệp bất động sản dạt về tỉnh làm dự án phải giải quyết được bài toán kéo dân về ở, nếu không sẽ hình thành nên những khu đô thị “ma” tại các tỉnh này.

Các "ông lớn" thay đổi chiến lược

Novaland là Tập đoàn bất động sản hàng đầu tại TPHCM với hơn 40 dự án nằm rải rác khắp các quận ở Sài Gòn. Tuy nhiên, chiến lược 2020 của Novaland, TPHCM không phải là thị trường chiến lược mà là ở các tỉnh.

Loạt ông lớn địa ốc thay đổi chiến lược, chạy dạt về tỉnh - 1

Phối cảnh dự án Khu đô thị Aqua City ở Đồng Nai.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland, cho biết, năm 2020 là một năm đầy thử thách, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong bối cảnh kinh tế vi mô và vĩ mô có nhiều thay đổi nhưng Novaland đã đề ra những biện pháp quyết liệt để ứng phó, để thích nghi.

Theo đó, Novaland tập trung phát triển và bám sát mục tiêu kinh doanh với nhiều dự án tiềm năng như Aqua City ở Đồng Nai, dự án NovaWorld Mekong tại Đồng bằng sông Cửu Long, NovaWorld Phan Thiet và NovaHills Mui Ne Resort & Villas tại Bình Thuận, NovaWorld Ho Tram tại Bà Rịa-Vũng Tàu)...

Một “ông lớn” khác có trụ sở tại Sài Gòn là Tập đoàn Hưng Thịnh, vài năm gần đây cũng dạt về Đồng Nai, Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu để mở rộng thị phần khi các quỹ đất dự án ở TP.HCM mất nhiều thời gian chuẩn bị pháp lý. Dự kiến, năm 2020, Tập đoàn Hưng Thịnh sẽ mở bán các dự án tại Bình Dương, Bình Định và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tương tự, Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) cũng sẽ đầu tư các dự án nhà ở mới tại tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ.

Cụ thể, dự án cao ốc hỗn hợp Aster Garden Towers có tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án có diện tích đất 1,98ha, tại phường Lái Thiêu, Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đây là dự án Thuduc House nhận chuyển nhượng 99% vốn góp từ chủ đầu tư là Công ty TNHH Song Hỷ Quốc tế.

Dự án thứ hai là khu nhà ở Goden Hill tại xã Tân Hòa, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự án có diện tích đất 8,68ha và tổng mức đầu tư dự kiến 694 tỷ đồng. Đây là dự án do công ty đầu tư trực tiếp bằng cách mua đất từ cá nhân, hiện đã được công nhận chủ trương đầu tư.

Riêng dự án Khu đô thị Nam Cần Thơ có diện tích 54,32ha nằm tại quận Cái Răng, Cần Thơ có tổng vốn đầu tư dự kiến 1.619 tỷ đồng. Dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư và công ty đặt mục tiêu trong năm 2020 sẽ hoàn tất thiết kế tổng mặt bằng, phương án thiết kế, tiếp tục đền bù 15ha và được duyệt quy hoạch 1/500.

Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt từ trước đến nay thường phát triển dự án tại TPHCM với loạt dự án như Millennium, The Everich Infinity… Còn trong chiến lược 2002, Phát Đạt đã công một dự án Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp ở Thuận An, Bình Dương. Dự án này có tổng diện tích 3,73ha, tọa lạc tại mặt tiền Quốc lộ 13. Tại Bình Định, doanh nghiệp này đã mở bán dự án Khu đô thị Nhơn Hội New City và Kỳ Co Gateway. Giai đoạn 2019-2020, quỹ đất của Phát Đạt tăng gần 439ha theo xu hướng rút khỏi Sài Gòn nhưng đều tọa lạc tại cửa ngõ của các tỉnh thành như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Dương và Phú Quốc.

Loạt ông lớn địa ốc thay đổi chiến lược, chạy dạt về tỉnh - 2

Phối cảnh dự Khu đô thị Waterpoint mà Nam Long triển khai ở Long An.


Ngay cả một “đại gia” dẫn dắt thị trường nhà ở vừa túi tiền trong 2 thập niên qua là Công ty Nam Long cũng phải thay đổi chiến lược, tiến về tỉnh lẻ bằng các dự án khu đô thị. Năm 2020, Nam Long tập trung phát triển giai đoạn một của Khu đô thị Waterpoint ở Long An, có quy mô lên 355ha. Ngoài ra, Nam Long còn tổng quỹ đất 681ha khắp các tỉnh thành.

Còn Phú Đông Group cũng cho biết, đã hoàn thành nhà mẫu dự án Phú Đông Sky Garden tại Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đây là dự án thứ 3 mà Phú Đông Group phát triển từ năm 2015 tới nay tại Dĩ An. Dự án chung cư với hơn 600 căn hộ, trong đó có 70 căn 3 phòng ngủ này dự kiến có giá bán 2 tỷ đồng/căn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết sẽ chỉ mở bán khi pháp lý đã hoàn thiện 100% trong thời gian tới.

Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc khác ở TPHCM như Danh Khôi, Đất Xanh, Vạn Xuân, Hưng Lộc Phát… cũng tiến về tỉnh để làm dự án.

Câu chuyện tất yếu

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng cho rằng, việc doanh nghiệp địa ốc dịch chuyển ra các tỉnh lân cận TPHCM phát triển dự án là chuyện bình thường. Trong kinh doanh, yếu tố thị trường luôn phải đặt lên hàng đầu và việc thoát khỏi một khu vực đã quá chật chội để tìm một thị trường mới là đương nhiên. Ngoài ra, giá đất tại Sài Gòn cũng ngày càng đắt đỏ hơn sau những đợt sốt đất liên hoàn, càng thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng ra vùng lân cận để phát triển quỹ đất có giá cả phải chăng hơn.

Các đô thị vệ tinh lân cận TP.HCM là một thị trường bất động sản rộng lớn, đầy tiềm năng với nhu cầu nhà ở người dân tại đây tăng cao, mức thu nhập cũng cải thiện hơn rất nhiều. Trong khi đó, từ trước đến nay các tỉnh này lại luôn thiếu dự án các bất động sản bài bản với đầy đủ tiện ích sống.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết, điểm mạnh của thị trường bất động sản tỉnh đó là quỹ đất rộng, giá cả còn thấp, giao thông kết nối khá tốt và doanh nghiệp đa phần đều uy tín từ TPHCM qua thực hiện. Ngoài ra, việc cấp phép phát triển dự án ở các địa phương này cởi mở hơn. Việc nguồn cung mới dồi dào đã tạo ra một thị trường sôi động, kéo theo đó là nhà đầu tư từ TPHCM di chuyển về các tỉnh đầu tư bất động sản chiếm tỷ lệ lớn.

“Đa phần các dự án mở bán mới tại tỉnh lẻ có đến 70% lượng khách hàng từ TPHCM đến giao dịch, điều này cho thấy dòng tiền đổ bộ về thị trường tỉnh lẻ đang rất tốt. Năm 2020 được cho là năm của thị trường tỉnh khi mà thị trường TPHCM vẫn đang rất hạn chế nguồn cung mới”, ông Phúc nói.

Loạt ông lớn địa ốc thay đổi chiến lược, chạy dạt về tỉnh - 3

Một buổi mở bán dự án ở tỉnh thu hút nhiều khách hàng tham dự.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, việc doanh nghiệp bất động sản hướng ra các tỉnh vùng ven phát triển là câu chuyện tất yếu của thị trường khi tại vùng lõi TPHCM đã bắt đầu chật chội. Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản không thể nào không có hàng bán trong cả năm trời. Nếu thị trường bất động sản TPHCM không thể tạo ra hàng cho doanh nghiệp thì buộc họ phải di tản ra các tỉnh lân cận để phát triển.

Việc hàng loạt doanh nghiệp hướng về thị trường vùng ven sẽ tạo ra sự phát triển bền vững và xoay trục thị trường, khiến người tiêu dùng có đa dạng lựa chọn hơn. Bởi khi TPHCM bắt đầu nghiêng về phát triển các dự án cao cấp do giá đất, thuế phí, giá dịch vụ tăng cao tạo ra mặt bằng giá bất động sản cao hơn thì những khách hàng ít tiền, thu nhập thấp khó có thể sở hữu nhà.

“Những dự án ở các tỉnh giáp TP.HCM là một lựa chọn tối ưu cho số đông khách hàng bởi quỹ đất rộng, mặt bằng giá đất, thuế và giá dịch vụ thấp hơn. Đồng thời, hạ tầng giao thông kết nối ổn định khiến khoảng cách địa lý cũng gần lại”, ông Châu nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng cũng cảnh báo, việc doanh nghiệp bất động sản dạt về tỉnh làm dự án phải giải quyết được bài toán kéo dân về ở. Nếu không, sẽ hình thành nên những khu đô thị “ma” tại Nhơn Trạch hay Bình Dương.

Theo Duy Quang

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm