Loạt dự án BĐS vi phạm: Do lợi nhuận cao, chính quyền buông lỏng!

(Dân trí) - Một trong những nguyên nhân xảy ra vi phạm ở lĩnh vực BĐS được chỉ ra là bởi lĩnh vực này có lợi nhuận cao, nhanh chóng. Những kẻ lừa đảo dùng thủ đoạn tinh vi qua mặt cơ quan chức năng, người mua.

Gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, cử tri TP.HCM đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành Trung ương cần tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản. Đồng thời quản lý chặt chẽ diện tích đất nông nghiệp.

Theo phản ánh của cử tri, hiện nay tại các tỉnh, thành do việc đô thị hóa quá nhanh dẫn đến việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư rất nhiều, ảnh hưởng đến an ninh lương thực .

Trả lời kiến nghị của cử tri về tăng cường công tác quản lý đất đai và kinh doanh bất động sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, tại hầu hết các địa phương vẫn còn tồn tại tình trạng các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản chậm triển khai; tình trạng vi phạm tại các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản quy mô lớn.

Loạt dự án BĐS vi phạm: Do lợi nhuận cao, chính quyền buông lỏng! - 1

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao và nhanh chóng, những kẻ lừa đảo dùng thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng và người mua.

Ngoài ra cũng xuất hiện các tình trạng chủ đầu tư rao bán nhà đất thuộc các dự án nhà ở không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất hoặc các dự án không đủ điều kiện chuyển quyền sử dụng đất, bán nhà ở...

Một trong những nguyên nhân của tình trạng nêu trên được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ là do lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao và nhanh chóng, những kẻ lừa đảo dùng thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng và người mua.

Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ đặc biệt là ở cấp cơ sở cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Đề cập đến các giải pháp để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án sử dụng đất đặc biệt là các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Bộ đã phối hợp với Bộ Xây dựng cùng với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các giải pháp để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án sử dụng đất đặc biệt là các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về tăng cường xử lý vi phạm đất đai giai đoạn đến 2020 trên phạm vi cả nước. Trong đó có nội dung thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm đối với các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án kinh doanh bất động sản, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa.

Đề án này do Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các cấp, cơ quan thanh tra tổ chức thực hiện đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, từ khi có Luật Đất đai 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã phối hợp, chỉ đạo các địa phương rà soát các dự án BĐS có quy mô lớn, các dự án chậm triển khai, kể cả các dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa giao đất, cho thuê đất. Từ đó tăng cường xử lý các trường hợp có vi phạm.

Lo ngại chuyển đổi đất lúa đe doạ an ninh lương thực

Về vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Đến năm 2020, đất trồng lúa cả nước có khoảng 3.760,39 nghìn ha (trong đó đất chuyên trồng lúa nước là 3.128,96 nghìn ha),với diện tích đất lúa đến năm 2020 và hệ số sử dụng đất trồng lúa bình quân là 1,95 lần thì diện tích gieo trồng lúa hàng năm vẫn đạt trên 7 triệu ha.

“Với năng suất bình quân khoảng 60 tạ/ha/năm thì sản lượng lúa đạt 42 triệu tấn/năm, bình quân khoảng 420 kg/người/năm không những vẫn đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia mà còn dành cho xuất khẩu khoảng từ 5 - 6 triệu tấn”, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, việc đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Đất đai năm 2013 và đã có quy định để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa.

“Tại Điều 58 của Luật Đất đai năm 2013 quy định các địa phương phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên trước khi quyết định việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất", Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Bộ khẳng định, với những quy định và kết quả tổ chức thực hiện nêu trên thì vấn đề an ninh lương thực của nước ta hiện nay vẫn được đảm bảo.

Nguyễn Khánh