1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Loạt đại gia địa ốc có "hàng tồn kho" tăng mạnh, "chất" thêm nghìn tỷ đồng

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Con số tồn kho của một vài doanh nghiệp bất động sản tiếp tục tăng mạnh sau năm 2020.

Một trong những cái tên đáng chú ý trong danh sách doanh nghiệp có giá trị tồn kho cao ngất ngưởng là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG).

Công ty bất động sản này mới niêm yết trên HoSE từ đầu tháng 1 năm nay và giá trị hàng tồn kho tính đến cuối năm 2019 là 2.611 tỷ đồng. Sau 1 năm hoạt đồng, hàng tồn kho đã tăng cao gấp đôi.

Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 của AGG cho thấy, hàng tồn kho tính đến hết 31/12/2020 là 5.734 tỷ đồng, tăng 119% so với đầu năm.

Với tình hình nói trên, khoảng gần 60% tài sản của AGG đang nằm ở hàng tồn kho. Được biết, việc hàng tồn kho tăng vọt bất thường này đến từ việc AGG nhận hợp nhất công ty Hoàng Ân.

Cuối tháng 6/2020, AGG đã mua thêm 5% cổ phần Hoàng Ân, tăng tỷ lệ sở hữu từ 45,01% lên 50,01%, do đó các tài sản của Hoàng Ân được hợp nhất vào AGG, trong đó giá trị hàng tồn kho được hợp nhất là khối động sản đang dở dang là dự án The Sóng.

Trong cơ cấu hàng tồn kho của AGG, dự án The Sóng chiếm 2.608 tỷ đồng, tiếp đến là các dự án The Westgate với 1.323 tỷ đồng, dự án River Panorama 1 và 2...

Loạt đại gia địa ốc có hàng tồn kho tăng mạnh, chất thêm nghìn tỷ đồng - 1

Danh mục hàng tồn kho của AGG.

Lợi nhuận sau thuế của công ty tại Báo cáo tài chính (BCTC) riêng cả năm 2020 chỉ đạt 27 tỷ đồng, giảm 84% so với năm ngoái. Trong khi đó, tại BCTC hợp nhất đạt 414 tỷ đồng, tăng 27%.

Theo lý giải của lãnh đạo AGG, lợi nhuận sau thuế của công ty trên BCTC riêng giảm chủ yếu đến từ việc doanh thu từ dịch vụ tư vấn giảm trong khi giá vốn hàng bán và chi phí tài chính tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tổng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trên BCTC hợp nhất đã tăng do tăng từ nguồn thu bán căn hộ và doanh thu tài chính.

Một doanh nghiệp khác cũng có lượng hàng tồn kho tăng mạnh là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC).

Cụ thể, khoản hàng tồn kho đạt 11.303 tỷ đồng, tăng tới gần 50% so với đầu năm, chiếm gần một nửa tài sản. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Kinh Bắc trong năm 2020 âm hơn 3.141 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn là 1.539 tỷ đồng.

Loạt đại gia địa ốc có hàng tồn kho tăng mạnh, chất thêm nghìn tỷ đồng - 2
Cơ cấu hàng tồn kho của KBC. Nhiều dự án chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tăng mạnh.

Tính chung cả năm 2020, doanh thu của KBC đạt 2.154 tỷ đồng, giảm 37% so với năm trước. Soi cơ cấu doanh thu, mảng giảm nhiều nhất là doanh thu cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản. Trong khi đó doanh thu cho thuê nhà kho, nhà xưởng và văn phòng vẫn tăng. Lợi nhuận sau thuế đạt 297 tỷ đồng, giảm 72% so với năm 2019.

Một doanh nghiệp địa ốc khác cũng có lượng hàng tồn kho cao là Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG).

Tính đến cuối năm 2020, giá trị hàng tồn kho của DXG là 10.251 tỷ đồng, tăng thêm gần 3.460 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó chủ yếu là các khoản bất động sản dở dang chiếm 9.668 tỷ đồng; bất động sản hàng hóa chiếm 253 tỷ đồng...

Báo cáo cũng cho thấy, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh của DXG vẫn tiếp tục âm 361 tỷ đồng. Một tín hiệu tích cực là con số này đã giảm đáng kể so với con số âm 1.645 tỷ đồng năm trước.

DXG cũng có khoản nợ phải trả ngày một tăng cao, tính đến hết năm 2020, con số nợ phải trả là 14.379 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 10.652 tỷ đồng đầu năm.